Tăng huyết áp nếu không được điều trị tốt có thể làm giảm chất lượng cuộc sống và gây ra nhiều biến chứng trên các cơ quan khác của cơ thể như tim, não, thận, mắt… Dưới đây, hãy cùng Ichtamkhang.co điểm qua các biến chứng tăng huyết áp nguy hiểm nhưng thường gặp và cách phòng tránh chúng.
Hiểu rõ về biến chứng tăng huyết áp sẽ giúp bạn phát hiện và phòng ngừa tốt hơn
Các biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp và dấu hiệu nhận biết
Các biến chứng của bệnh tăng huyết áp tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người bệnh bao gồm: bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy thận, tổn thương mắt, phình động mạch và bệnh động mạch ngoại biên. Cơ chế hình thành và dấu hiệu của mỗi biến chứng này như sau:
Bệnh mạch vành
Tăng huyết áp sẽ khiến mạch máu bị xơ cứng và trở nên kém đàn hồi hơn. Điều này có thể dẫn tới giảm lượng máu tới động mạch, vi mạch vành (các mạch máu nhỏ nằm sâu trong cơ tim) và gây ra bệnh mạch vành - thiếu máu cơ tim.
Bên cạnh đó khi bị tăng huyết áp, thành mạch của bạn cũng dễ bị tổn thương. Tại các vị trí thành mạch bị tổn thương, LDL cholesterol dễ bám vào và tạo thành mảng xơ vữa gây hẹp động mạch vành.
Dấu hiệu nhận biết bệnh mạch vành - thiếu máu cơ tim do tăng huyết áp thường gặp nhất là cơn đau thắt ngực. Cụ thể, người bệnh có cảm giác nén ép tim, tim bị bóp chặt lại, nặng nề hoặc tê vùng ngực, nóng rát, đầy bụng, đau ngực âm ỉ. Ngoài ra, người bị biến chứng mạch vành do tăng huyết áp có thể xuất hiện khó thở, tăng nhịp tim, chóng mặt, buồn nôn, đánh trống ngực...
Nhồi máu cơ tim
Đây cũng là một hậu quả của tăng huyết áp mà bạn cần đặc biệt cẩn trọng. Nguyên nhân là do khi huyết áp tăng, mảng xơ vữa ở mạch vành sẽ dễ bị nứt vỡ hình thành cục máu đông gây nhồi máu cơ tim cấp. Theo thống kê, có khoảng 50% trường hợp nhồi máu cơ tim có bệnh nền tăng huyết áp.
Dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp do tăng huyết áp bao gồm:
- Đau tức ngực trái hoặc đau sau xương ức dữ dội, kéo dài từ 20 phút trở lên.
- Cơn đau lan lên vai, cánh tay, cổ, cằm, sau lưng.
- Đau kèm vã mồ hôi, khó thở, hốt hoảng, trong cơn đau thường tăng cả nhịp tim và huyết áp.
Ở người cao tuổi có thể có thêm các triệu chứng rối loạn tri giác như ngủ gà, hôn mê, lừ đừ hoặc khó thở, khò khè, ngất xỉu.
Nhồi máu cơ tim là một trong các biến chứng tim mạch của tăng huyết áp
Đột quỵ
Tăng huyết áp có thể trực tiếp khiến các mạch máu não vỡ ra (xuất huyết não) hoặc gián tiếp làm hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn động mạch não. Cả hai điều này đều làm tăng nguy cơ đột quỵ cho người bệnh. Thống kê cho thấy, người bị huyết áp cao trên 160/100 mmHg sẽ có nguy cơ bị biến chứng đột quỵ (tai biến mạch máu não) tăng gấp 4,3 lần.
Các dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ do tăng huyết áp như sau:
- Đột ngột tê cứng hoặc yếu liệt chân, tay hoặc mặt, đặc biệt là dấu hiệu chỉ xuất hiện ở nửa bên người (chân / tay / mặt bên trái hoặc chân / tay / mặt bên phải).
- Chóng mặt, khó thăng bằng, không kiểm soát được động tác.
- Bỗng nhiên bị đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân.
- Đột ngột khó nói, lú lẫn, khó diễn đạt ngôn ngữ hoặc có vấn đề thị lực như nhìn mờ, mất thị lực…
Tất cả các biến chứng bệnh tăng huyết áp đều có thể phòng ngừa từ sớm. Nếu bạn đang mắc phải căn bệnh này, hãy gọi ngay cho chuyên gia theo số 0981 238 219 để được tư vấn cách giảm rủi ro do huyết áp cao gây ra.
Suy tim
Nguyên nhân dẫn tới biến chứng tăng huyết áp này là do khi áp lực của máu lên thành động mạch cao, cơ tim phải tăng sức co bóp để thắng sức cản ngoại vi. Nếu phải gắng sức thời gian dài, cơ tim sẽ trở nên phì đại, dày, cứng, ít đàn hồi, cuối cùng là giảm khả năng co bóp (suy tim).
Theo Hội Tim mạch Hoa Kỳ, dấu hiệu suy tim thường gặp gồm khó thở, thở khò khè, ho khan, mệt mỏi, phù hoặc sưng mắt cá chân… Ngoài ra, người bệnh có thể cảm thấy ăn không ngon, buồn nôn, đầy bụng, đau dạ dày, trí nhớ suy giảm, hay nhầm lẫn…
Suy thận
Tình trạng tăng huyết áp kéo dài không chỉ làm giảm lượng máu đến thận mà còn có thể khiến các mạch máu và bộ lọc ở cầu thận bị tổn thương. Hậu quả là thận giảm khả năng loại bỏ những chất cặn bã độc hại cũng như nước dư thừa ra ngoài (suy thận mạn). Theo thống kê, có tới 70% bệnh nhân ghép thận có tăng huyết áp.
Các triệu chứng của suy thận do tăng huyết áp (phù, mệt mỏi, da xanh xao, đau đầu, chán ăn, buồn nôn, tiểu nhiều…) thường xuất hiện khá muộn, khi chức năng thận chỉ còn 10%. Do đó, muốn phát hiện sớm biến chứng của tăng huyết áp này, bạn bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm protein niệu định kỳ.
Suy thận cũng là một biến chứng thường gặp của tăng huyết áp
Tổn thương mắt
Huyết áp tăng cao làm tăng áp lực lên các mạch máu nhỏ ở đáy mắt (võng mạc). Đây chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh võng mạc do tăng huyết áp.
Dấu hiệu biến chứng tăng huyết áp ở mắt thường chỉ xuất hiện khi khám mắt và chụp võng mạc với biểu hiện mạch máu ngoằn ngoèo, cứng, chỗ hẹp, chỗ co, chỗ phù nề. Còn khi người bệnh đã xuất hiện tình trạng xuất huyết sau võng mạc, phù gai thị thì có nghĩa bệnh đã tiến triển nặng, có nguy cơ gây mù lòa cao.
Phình động mạch
Theo thời gian, một phần động mạch dưới một áp lực lớn sẽ trở nên yếu hơn và bị phình to ra. Đây là một trong các biến chứng của bệnh tăng huyết áp cực kỳ nguy hiểm. Nếu các phần động mạch bị phình vỡ ra, người bệnh có thể bị xuất huyết trong và đe dọa đến tính mạng.
Tùy theo vị trí bị phình mạch ở động mạch chủ bụng, ngực hay não mà dấu hiệu nhận biết sẽ khác nhau. Ví dụ khi bị phình mạch não, bạn có thể gặp các triệu chứng như yếu chi, mắt nhìn mờ… nặng hơn là đau đầu dữ dội, cổ cứng, rối loạn ý thức, hôn mê…
Bệnh động mạch ngoại biên
Không chỉ tác động lên các động mạch vành nuôi tim, tăng huyết áp kéo dài có thể khiến các động mạch ngoại biên bị xơ vữa, tắc hẹp và dẫn tới thiếu máu đến các chi. Nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách, biến chứng này sẽ khiến người bệnh bị hoại tử chân, cắt cụt chi.
Dấu hiệu điển hình của bệnh động mạch ngoại biên là cơn đau cách hồi. Người bệnh sẽ cảm thấy co rút, thắt chặt, đau nhức, rất khó chịu xảy ra sau khi đi bộ một quãng đường nhất định. Cơn đau thường giảm khi bạn ngồi nghỉ, để buông thõng chân nhưng sẽ xuất hiện trở lại khi bạn tiếp tục đi bộ với quãng đường như cũ.
Nếu bị đau cách hồi khi đi bộ, người bệnh tăng huyết áp cần nghĩ ngay đến biến chứng tổn thương động mạch ngoại biên
Các biến chứng khác
Ngoài các biến chứng nguy hiểm kể trên, tăng huyết áp còn có thể gây ra một số biến chứng khác ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh như:
- Thiếu máu não: Tăng huyết áp làm hẹp động mạch não và động mạch cảnh. Điều này dẫn tới thiếu máu lên não, khiến người bệnh bị chóng mặt, hoa mắt, nhiều khi ngất, hôn mê.
- Suy giảm, rối loạn trí nhớ và sa sút trí tuệ: Biến chứng này thường gặp ở người cao tuổi. Nguyên nhân là huyết áp cao gây nhồi máu não, nhũn não.
- Hội chứng chuyển hóa: Huyết áp cao kéo dài có thể kéo theo tình trạng rối loạn chuyển hóa, cụ thể hơn là tăng tạo chất béo trung tính, tăng glucose máu, giảm cholesterol “tốt” (HDL). Hậu quả là khiến người bệnh bị thêm bệnh tiểu đường, tim mạch.
- Rối loạn cương dương và giảm ham muốn: Đây có thể là biến chứng của tăng huyết áp hoặc tác dụng phụ của thuốc điều trị tăng huyết áp. Huyết áp cao khiến lượng máu đến cơ quan sinh dục giảm. Nếu không được cấp máu đầy đủ, rất khó duy trì sự cương cứng ở nam giới và ham muốn tình dục ở nữ giới.
Riêng phụ nữ mang thai bị tăng huyết áp có thể gặp biến chứng tiền sản giật, sinh non, thai chậm phát triển hoặc thai chết lưu.
Cách phòng ngừa biến chứng tăng huyết áp
Điều trị tốt tăng huyết áp sẽ giúp giảm 25% nguy cơ nhồi máu cơ tim, 30% nguy cơ đột quỵ, 23% bệnh thận mãn tính... Dưới đây là các biện pháp sẽ giúp bạn kiểm soát tốt huyết áp, từ đó giảm nguy cơ biến chứng cho mình.
Duy trì lối sống lành mạnh
Lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn giảm huyết áp tốt hơn
Các chuyên gia khuyến cáo, người bệnh tăng huyết áp nên:
- Tập thể dục tối thiểu 30 phút mỗi ngày, 5 - 7 ngày mỗi tuần: Bạn nên chọn các bài tập vừa sức, sau đó tăng dần cường độ để cải thiện sức khỏe tim mạch.
- Kiểm soát cân nặng và vòng bụng: Với nam giới, vòng bụng nên kiểm soát dưới 90 cm. Với nữ giới, vòng vùng nên kiểm soát dưới 80cm. Về cân nặng, cần duy trì chỉ số khối cơ thể BMI từ 18,5 đến 22,9 kg/m2.
- Ăn uống lành mạnh: Ăn ít muối (tốt nhất nên dưới 1500 mg Natri, tương đương 3,75g hay 0,75 thìa cà phê muối mỗi ngày), ít đường, hạn chế mỡ, da, nội tạng động vật, nên ăn tăng rau xanh, trái cây tươi, cá, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt.
- Không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, tránh các yếu tố gây căng thẳng stress hay nhiễm lạnh đột ngột
- Kiểm soát tốt các bệnh liên quan như mỡ máu, tiểu đường,...
- Theo dõi và ghi chép huyết áp của bản thân hàng ngày, nếu cao hơn giới hạn cho phép, người bệnh cần trao đổi ngay với bác sĩ.
Ngoài ra, bạn cần thăm khám định kỳ theo lịch của bác sĩ để kịp thời điều chỉnh phác đồ điều trị và phát hiện sớm các dấu hiệu biến chứng.
Xem thêm: Huyết áp cao nên ăn gì, không nên ăn gì để hạ huyết áp tốt nhất?
Dùng thuốc điều trị tăng huyết áp
Thay đổi lối sống đôi khi là một điều không dễ dàng và chưa đủ để đưa chỉ số huyết áp của bạn về mức bình thường. Vì thế, nếu được bác sĩ kê đơn thuốc, bạn hãy dùng đúng theo chỉ định.
Các thuốc điều trị tăng huyết áp thường được sử dụng là: thuốc lợi tiểu (Furosemid, Spironolactone…), thuốc chẹn beta giao cảm (Propranolol, Metoprolol…) thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (Losartan, Azilsartan…), thuốc ức chế men chuyển ACE (Enalapril, Captopril…), thuốc chẹn kênh canxi (Amlodipine, Nifedipine…). Đa phần các thuốc này đều đã được sử dụng từ lâu, có nhiều nghiên cứu về độ an toàn. Do đó, bạn không cần quá lo lắng khi sử dụng thuốc.
Dùng thuốc đúng cách sẽ giúp bạn giảm huyết áp nhanh và an toàn
Sử dụng thảo dược thiên nhiên
Sử dụng thảo dược thiên nhiên đang là giải pháp được các chuyên gia khuyên dùng để phòng ngừa các biến chứng do bệnh tăng huyết áp gây ra. Lý do chính là vì chúng lành tính, ít tác dụng phụ và mang lại hiệu quả tốt.
Trong số các thảo dược dùng cho người tăng huyết áp, chắc chắn phải kể đến Cao Natto, Đan sâm, Vàng đằng và chiết xuất Thông Dahurian... Nếu như Cao natto giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ; Đan sâm, Hoàng đằng giúp chống xơ vữa mạch máu, phòng suy tim thì chiết xuất Thông Dahurian lại giúp hạ huyết áp, ngăn ngừa thiếu máu cơ tim - bệnh mạch vành do tăng huyết áp gây ra.
Tùy vào tình trạng bệnh, bạn có thể chọn lựa sử dụng một hoặc tất cả các thảo dược kể trên dưới dạng viên uống thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên bạn hãy chọn mua sản phẩm được sản xuất từ công ty uy tín, có kiểm nghiệm, kiểm chứng rõ ràng, được các cơ quan uy tín xác nhận để đảm bảo an toàn.
Xem thêm: Thông Dahurian - Món quà từ thiên nhiên cho trái tim khỏe
Biến chứng tăng huyết áp chỉ xảy ra khi người bệnh không kiểm soát được huyết áp của mình. Vì thế ngay từ khi mắc bệnh, bạn cần hiểu rõ các rủi ro mà mình phải đối mặt và chủ động phòng ngừa bằng cách kiểm soát tốt huyết áp. Trong quá trình điều trị, nếu có băn khoăn, bạn có thể gọi cho các chuyên gia theo số 0981 238 219 để được giải đáp.
Link tham khảo: heart.org, healthgrades.com, mayoclinic.org, tidsskriftet.no, medicalnewstoday.com, nhlbi.nih.gov