Suy tim là tình trạng nghiêm trọng, cần được điều trị ngay. Việc can thiệp sớm giúp tăng cơ hội phục hồi lâu dài và ít gặp biến chứng hơn. Thế nhưng rất ít người biết rằng kiểm soát nguyên nhân suy tim là cơ sở gốc rễ để hạn chế triệu chứng và ngăn chặn bệnh phát triển.

Bệnh suy tim là gì? Có nguy hiểm không?

Suy tim, hay còn gọi là suy tim sung huyết, xảy ra khi cơ tim không bơm máu tốt như bình thường. Sự ứ trệ tuần hoàn do giảm khả năng co bóp của tim gây ra một loạt triệu chứng khó thở, ho, phù, mệt mỏi.

Về lâu dài, suy tim sẽ dẫn đến nhiều biến chứng đáng lo ngại như phù phổi cấp, thuyên tắc phổi, nhồi máu não, nhồi máu cơ tim, bệnh van tim, tổn thương gan, suy thận, thiếu máu, tử vong do ngừng tim đột ngột. Những biến chứng của suy tim để lại hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe lâu dài của người bệnh, chẳng hạn như rút ngắn tuổi thọ, tàn tật,…

Không phải ngẫu nhiên mà cơ tim tổn thương hoặc yếu đi. Suy tim thường phát triển do các bệnh lý khác. Vì vậy, việc điều trị và phòng ngừa yếu tố căn nguyên có thể giữ cho bệnh không tiến triển thêm.

Suy tim thường phát triển từ nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau

Suy tim thường phát triển từ nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau

Các nguyên nhân gây suy tim là gì?

Tất cả các bệnh tim mạch đều sẽ dẫn đến suy tim. Bởi chúng khiến tim phải làm việc nhiều hơn nhằm đảm bảo lượng máu đi nuôi cơ thể. Nỗ lực trong thời gian dài là nguyên nhân cơ tim yếu đi hoặc trở nên cứng hơn, giảm khả năng bơm máu.

Bất kỳ điều kiện tim mạch nào đều có thể làm tổn thương cơ tim, phổ biến nhất là:

  • Bệnh mạch vành và cơn đau tim: Đây là nguyên nhân dẫn đến suy tim phổ biến nhất. Bệnh mạch vành và/hoặc nhồi máu cơ tim phát triển do sự tích tụ chất béo trong lòng động mạch vành cung cấp máu cho cơ tim, giảm hoặc ngăn chặn hoàn toàn dòng máu. Và hậu quả tất yếu là cơ tim bị tổn thương.
  • Tăng huyết áp: Nếu áp lực dòng máu trong lòng mạch cao, tim phải làm việc vất vả hơn để lưu thông máu khắp cơ thể. Theo thời gian, cơ tim bị cứng hoặc yếu đi.
  • Bệnh van tim: Các van giữ cho máu chảy qua tim theo một chiều nhất định. Hẹp/hở van tim đều buộc tim phải nỗ lực nhiều hơn.
  • Bệnh cơ tim: Phát triển sau nhiễm trùng, do lạm dụng rượu hoặc gặp tác dụng phụ của thuốc, di truyền.
  • Viêm cơ tim: Nguyên nhân do virus làm cơ tim bị viêm, có thể dẫn đến suy tim trái.
  • Khuyết tật tim bẩm sinh: Khi buồng và van tim có dị tật từ khi sinh ra, những phần khỏe mạnh còn lại của tim cần làm việc nhiều hơn để bù đắp.
  • Nhịp tim bất thường: Có thể nhanh hoặc chậm, tạo thêm công việc cho tim.

Không chỉ là bệnh tim mạch, nhiều nguyên nhân sức khỏe bên ngoài cũng có thể dẫn đến suy tim, chẳng hạn như tiểu đường, HIV, cường giáp, suy giáp, tích tụ sắt hoặc protein, lạm dụng rượu, hút thuốc lá thường xuyên, béo phì, chứng ngưng thở khi ngủ…

Riêng tình trạng suy tim cấp (suy tim tạm thời) xảy ra do cơ tim bị virus tấn công, nhiễm trùng nặng, dị ứng, có cục máu đông trong phổi, sử dụng một số loại thuốc hoặc mắc các bệnh ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.

Chứng ngưng thở khi ngủ cũng có thể là nguyên nhân suy tim ít ai ngờ tới

Chứng ngưng thở khi ngủ cũng có thể là nguyên nhân suy tim ít ai ngờ tới

Điều trị căn nguyên - mục tiêu chính trong điều trị suy tim

Dù có các bước đi đột phá nhưng y học hiện đại vẫn chưa thể tìm ra cách chữa khỏi bệnh suy tim. Muốn giải quyết tốt triệu chứng phải xử lý được những vấn đề căn nguyên gây nên suy tim. Điều này giúp cải thiện chất lượng sống, trì hoãn sự phát triển của bệnh đồng thời phòng ngừa những rủi ro nguy hiểm của suy tim.

Điều trị nguyên nhân do các bệnh tim mạch

Thuốc, giải pháp lối sống, thảo dược và can thiệp ngoại khoa có thể giải quyết hoặc ngăn chặn các bệnh lý tim mạch dẫn đến suy tim:

  • Thuốc chẳng hạn như thuốc hạ huyết áp, giảm mỡ máu, giãn mạch, chống đông máu có thể hữu ích trong trường hợp suy tim gây ra bởi bệnh mạch vành giai đoạn nhẹ và trung bình, tăng huyết áp,...
  • Thay đổi lối sống theo hướng ăn thực phẩm lành mạnh, giàu chất xơ, ít chất béo; giảm muối và đường; ít uống nước; duy trì cân nặng khỏe mạnh; hoạt động thể chất nhẹ nhàng thường xuyên; không hút thuốc lá; giảm căng thẳng,…
  • Can thiệp ngoại khoa, bao gồm đặt máy tạo nhịp tim, nong mạch vành khi bệnh mạch vành đã nặng, sửa hoặc thay thế van tim, chỉnh sửa dị tật bẩm sinh tim, ghép tim...

Kết hợp nhiều phương pháp để kiểm soát nguyên nhân tại tim hiệu quả

Kết hợp nhiều phương pháp để kiểm soát nguyên nhân tại tim hiệu quả

Nguyên nhân do các bệnh ngoài tim

Xử lý các vấn đề ngoài tim dẫn đến bệnh suy tim còn phụ thuộc vào nguyên nhân ở từng người bệnh là gì. Vì vậy, các trường hợp khác nhau sẽ có biện pháp riêng, chẳng hạn như:

  • Người bệnh tiểu đường cần sử dụng thuốc hạ đường huyết.
  • Kiểm soát hoạt động tuyến giáp.
  • Truyền máu hoặc bổ sung sắt.
  • Kìm hãm sự phát triển của virus HIV.
  • Đổi thuốc điều trị hoặc giảm liều nếu nghi ngờ có các thuốc gây ảnh hưởng đến tim.
  • Cai ma túy hoặc rượu bia.
  • Giảm cân
  • Ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng quá mức.

Suy tim có thể xảy ra với bất kỳ ai và sẽ xấu đi theo thời gian. Vì vậy, bạn nên theo dõi triệu chứng bệnh để tìm cách phòng ngừa cũng như quản lý nguyên nhân suy tim suốt đời nhằm bảo vệ bản thân tốt nhất.

Nguồn tham khảo:

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heart-failure/symptoms-causes/syc-20373142

https://www.heart.org/en/health-topics/heart-failure/causes-and-risks-for-heart-failure/causes-of-heart-failure

https://medlineplus.gov/howtopreventheartdisease.html