Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn là căn bệnh không quá phổ biến nhưng lại rất nguy hiểm cho người bệnh. Nếu không được điều trị sớm và đúng cách, tỷ lệ tử vong vẫn lên tới 25%. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ các thông tin về viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, từ đó giúp bạn biết cách phòng ngừa và giảm rủi ro cho mình.

Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn có thể gây hỏng van tim

Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn có thể gây hỏng van tim

Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn là gì?

Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn là tình trạng nhiễm trùng màng trong của tim do vi khuẩn hoặc vi nấm. Bệnh có thể chia thành 2 dạng:

  • Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn cấp tính: Phát triển đột ngột và có thể đe dọa tính mạng người bệnh trong vài ngày.
  • Viêm nội tâm mạc bán cấp tính và mãn tính: Tiến triển chậm trong khoảng thời gian vài tuần đến vài tháng. Trường hợp này nếu chữa trị kịp thời sẽ không gây nguy hiểm.

Độ tuổi trung bình mắc bệnh viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn ngày càng tăng lên. Hơn một nửa người bệnh trên 50 tuổi và nam giới chiếm 2/3. Tuy nhiên bệnh cũng có thể xuất hiện ở trẻ nhỏ (viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn ở trẻ em).

Nguyên nhân gây viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

80% các trường hợp viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn là do vi khuẩn liên cầu, tụ cầu và enterococcus gây ra, chỉ một số rất ít trường hợp bị nhiễm trùng do vi khuẩn gram âm và nấm.

Bình thường các van tim có khả năng chống nhiễm trùng rất tốt. Tuy nhiên nếu van có vấn đề, vi khuẩn từ đường miệng, qua máu có thể tới bám vào van tim. Tại đây, chúng tăng sinh nhanh chóng đồng thời tạo ra các độc tố dưới dạng enzym gây viêm. Hậu quả để lại là van tim bị nhiễm trùng, sau đó tổn thương có thể lan dần đến niêm mạc tim và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

Vi khuẩn theo mạch máu vào tim gây ra bệnh viêm nội tâm mạc 

Vi khuẩn theo mạch máu vào tim gây ra bệnh viêm nội tâm mạc 

Ai dễ bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn?

Các yếu tố nguy cơ làm bạn tăng khả năng mắc viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn bao gồm:

  • Có các bệnh lý trên van tim như hở van hai lá, sa van 2 lá, hở hoặc hẹp van động mạch chủ hay van động mạch chủ chỉ có 2 lá (thay vì 3 lá van bình thường). 
  • Đang dùng van tim nhân tạo hoặc các thiết bị y khoa khác như máy tạo nhịp tim để cải thiện chức năng tim.
  • Đã từng bị viêm nội tâm mạc nhiễm trùng trước đây.
  • Bị bệnh tim bẩm sinh như thông liên thất, còn ống động mạch, hẹp van tim bẩm sinh, các dạng tim bẩm sinh phức tạp.
  • Mắc bệnh cơ tim phì đại, thoái hóa van ở người già
  • Sử dụng ma túy qua đường tĩnh mạch với kim tiêm bị nhiễm vi khuẩn hoặc nấm.
  • Sức khỏe răng miệng kém, tuổi cao trên 60.
  • Đang dùng thuốc ức chế miễn dịch (chẳng hạn như sau khi ghép tim). 

Khi bạn rơi vào một trong các trường hợp trên, hãy chủ động đến bệnh viện để thăm khám. Ngoài ra, bạn nên thăm khám sức khỏe định kỳ tối thiểu 6 tháng/lần để phát hiện bệnh kịp thời và có hướng điều trị hiệu quả.

Khám sức khỏe định kỳ giúp bạn loại bỏ hoặc phát hiện nguy cơ mắc viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

Khám sức khỏe định kỳ giúp bạn loại bỏ hoặc phát hiện nguy cơ mắc viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn có nguy hiểm không?

Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn nguy hiểm bởi có thể dẫn đến nhiều biến chứng, thậm chí tử vong cho người bệnh nếu không được điều trị kịp thời. Tỷ lệ tử vong trong vòng 30 ngày đầu tiên bị viêm nội tâm mạc nhiễm trùng lên đến 20%. Bên cạnh đó, khoảng 57% người bệnh gặp phải 1 biến chứng, 26% xuất hiện 2 biến chứng và 14% người bệnh có đến 3 biến chứng.

Các biến chứng do viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn gây ra bao gồm:

  • Suy tim xung huyết: Vi khuẩn gây viêm nội tâm mạc có thể gây tổn thương van tim, dây chằng, cơ tim và khiến tim suy yếu. Đây là biến chứng quan trọng nhất ảnh hưởng đến tiên lượng lâu dài của người bệnh.
  • Áp xe quanh van tim: Biến chứng này xảy ra với tỷ lệ 25% ở van động mạch chủ, 1 - 5% ở van hai lá nhưng hiếm khi xảy ra ở van ba lá. Khi áp xe lan rộng hay bị vỡ ra, người bệnh có thể bị tử vong.
  • Thuyên tắc mạch hệ thống: Tỷ lệ bệnh nhân viêm nội tâm mạc bị tắc mạch khá cao, rơi vào khoảng 20 - 45%. Biến chứng này có thể bất cứ vị trí nào (động mạch não, chi, mạch vành, gan, thận, lách, mạc treo...).
  • Biến chứng thần kinh, nhiễm trùng huyết, phình mạch Mycotic, áp xe lách: Các biến chứng này cũng có thể đe dọa tính mạng người bệnh và cần được xử trí sớm.

Việc phát hiện sớm biến chứng do viêm nôi tâm mạc nhiễm trùng gây ra và có phương điều trị phù hợp rất quan trọng. Điều này sẽ giúp bảo vệ tính mạng cho bệnh nhân.

Người bệnh viêm nôi tâm mạc cần được điều trị sớm để tránh biến chứng trên tim

Người bệnh viêm nôi tâm mạc cần được điều trị sớm để tránh biến chứng trên tim

Triệu chứng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn là gì?

Các dấu hiệu xuất hiện khi bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn gồm: 

  • Sốt trên 38,5 độ C dai dẳng, đổ mồ hôi hoặc ớn lạnh, đặc biệt là đổ mồ hôi ban đêm, nhịp tim nhanh bất thường.
  • Tức ngực, khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi, cơ thể mệt mỏi và yếu đuối mà không rõ nguyên nhân. 
  • Chán ăn, sụt cân nhanh, buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy.
  • Phát ban da, nổi các nốt ban đỏ.
  • Đau, nhức, đỏ hoặc sưng khớp, đau cơ, sưng bàn chân, cẳng chân hoặc bụng.
  • Đau họng, ngứa cổ họng hoặc đau khi nuốt, đôi khi người bệnh còn biểu hiện ho khan hoặc khan dai dẳng kéo dài hơn hai ngày.
  • Đau đầu hoặc đau xương gò má trên, nghẹt mũi, chảy dịch xoang.
  • Xuất hiện các chấm đỏ nhỏ ở kết mạc mắt và móng tay, các nốt nhỏ không đau trên lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân và các nốt đau ở đầu ngón tay, các mảng trắng trong miệng hoặc trên lưỡi của người bệnh.
  • Đi tiểu ra máu hoặc màu nước tiểu bất thường.

Triệu chứng của bệnh viêm nội tâm mạc do vi khuẩn ở mỗi người không giống nhau. Đặc biệt, triệu chứng của bệnh này khá giống một số bệnh khác, điều này dễ khiến người nhầm lẫn và chủ quan.

Sốt cao là biểu hiện phổ biến ở người bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

Sốt cao là biểu hiện phổ biến ở người bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

Cách chẩn đoán bệnh viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

Bác sĩ sẽ chẩn đoán viêm nội tâm mạc nhiễm trùng dựa vào triệu chứng và kết quả của các xét nghiệm sau:

  • Cấy máu: Kết quả cấy máu là tiêu chuẩn chẩn đoán chính và căn cứ giúp bác sĩ chọn ra phác đồ kháng sinh phù hợp nhất với người bệnh. Phương pháp này phải được thực hiện càng sớm càng tốt, trước khi sử dụng kháng sinh, bất kể người bệnh không bị sốt cao.
  • Siêu âm tim: Siêu âm tim sẽ cho thấy sự phát triển của khối vi khuẩn trên cơ tim hoặc van tim, phát hiện vết áp xe và các biến chứng khác trên van tim như thủng/rách/hở van tim, hở cạnh chân van nhân tạo, tổn thương vòng van, đứt dây chằng… Đây là tiêu chuẩn chính thứ 2 cùng với cấy máu giúp bác sĩ chẩn đoán viêm nội tâm mạc chắc chắn.
  • Xét nghiệm công thức máu toàn bộ: Sự tăng cao của bạch cầu và/hoặc suy giảm của hồng cầu cũng là một dấu hiệu cho thấy bạn có thể đang bị viêm nội tâm mạc.
  • Chụp X quang ngực, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI): Các phương pháp này giúp kiểm tra xem tim, phổi của bạn có gặp vấn đề hay không hoặc nhiễm trùng đã lan sang các vùng khác trên cơ thể người bệnh.
  • Điện tâm đồ: Dù không phải tiêu chuẩn chẩn đoán chính nhưng việc kiểm tra điện tâm đồ sẽ giúp phát hiện nhịp tim không đều do viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn gây ra.

ITK-2012-12.jpg

Để chẩn đoán viêm nội tâm mạc, người bệnh bắt buộc phải cấy máu

Điều trị bệnh viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn như thế nào?

Phương pháp điều trị bệnh viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn còn tùy thuộc vào mức độ bệnh, thể trạng người bệnh và diễn tiến của các biên chứng. Tuy nhiên đa số sẽ được lựa chọn 1 hoặc nhiều phương pháp dưới đây:

Dùng kháng sinh

Đây là giải pháp đầu tay trong điều trị viêm nội tâm mạc nhiễm trùng. Nếu chưa có kết quả cấy máu, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng phối hợp các kháng sinh như Ampicillin, Oxacillin, Gentamicin, Vancomycin… để nhanh chóng kiểm soát tình trạng nhiễm trùng. Trường hợp đã có kết quả cấy máu, tùy theo loại vi khuẩn mà loại kháng sinh nào được chỉ định. Ví dụ:

  • Streptococci ở miệng và Streptococci bovis: Dùng Penicillin G, Amoxicillin, Ceftriaxone…
  • Staphylococcus: Cloxacillin hay oxacillin, Cotrimoxazole, Clindamycin…
  • Enterococcus: Amoxicilline, Gentamicin, Ceftriaxone, Vancomycin

Việc lựa chọn kháng sinh nào còn tùy thuộc vào loại van và mức độ đáp ứng với thuốc. Thông thường bác sĩ sẽ chỉ định cấy máu lại sau 48 - 72 giờ để đánh giá hiệu quả điều trị, từ đó có thêm căn cứ điều chỉnh loại và liều kháng sinh.

Thời gian sử dụng kháng sinh đường tiêm tĩnh mạch thường kéo dài từ 6 - 8 tuần. Sau khi xuất viện, người bệnh sẽ có thể được chuyển qua kháng sinh đường uống. Trong thời gian này, người bệnh cần đến bệnh viện theo lịch quy định để theo dõi kết quả điều trị. 

Kháng sinh là phương pháp điều trị đầu tiên trong viêm nội tâm mạc nhiễm trùng

Kháng sinh là phương pháp điều trị đầu tiên trong viêm nội tâm mạc nhiễm trùng

Can thiệp phẫu thuật 

Người bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn trong các trường hợp sau đây sẽ được bác sĩ chỉ định phẫu thuật: 

  • Bị suy tim, đặc biệt là trường hợp nhiễm trùng tại van động mạch chủ hoặc van 2 lá kèm theo hở van nặng, gây phù phổi hay sốc tim.
  • Nhiễm khuẩn không kiểm soát được bằng kháng sinh (vi khuẩn, vi nấm kháng thuốc hoặc người bệnh không đáp ứng với thuốc)
  • Nguy cơ thuyên tắc cao: Có vết sùi trên van tim > 15m, viêm tại van động mạch chủ hoặc van 2 lá với vết sùi > 10mm kèm suy tim hoặc dùng kháng sinh nhưng bệnh nhân vẫn bị thuyên tắc phổi tái đi tái lại.

Phẫu thuật cho hiệu quả điều trị tốt nhưng đôi khi vẫn để lại các biến chứng không mong muốn như nhiễm trùng tại vết mổ, xuất hiện huyết khối hoặc tái phát viêm nội tâm mạc. Để phòng ngừa các biến chứng này, người bệnh sau phẫu thuật cần được chăm sóc theo các lời khuyên sau:

  • Không nên vận động mạnh hay làm việc nặng nhọc trong khoảng thời gian vết thương chưa lành hẳn.
  • Nên ăn các thực phẩm mềm, lỏng, thực phẩm hỗ trợ giảm viêm như các loại hạt, cá ngừ, cá hồi… trong một vài ngày đầu sau mổ.
  • Thay băng gạc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh nhiễm trùng.
  • Nếu bác sĩ chỉ định sử dụng kháng sinh hậu phẫu thuật, người bệnh hãy tuân thủ liều lượng, không tự ý bỏ thuốc.
  • Thực hiện tái khám định kỳ để kiểm tra tình trạng viêm và tiến độ hồi phục.

Chăm sóc bệnh nhân viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn sau phẫu thuật tốt sẽ giúp tăng tốc độ hồi phục và giảm nguy cơ biến chứng

Chăm sóc bệnh nhân viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn sau phẫu thuật tốt sẽ giúp tăng tốc độ hồi phục và giảm nguy cơ biến chứng

Liệu pháp hỗ trợ khác

Bên cạnh phương pháp điều trị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn bằng kháng sinh và phẫu thuật, bác sĩ có thể chỉ định dẫn lưu ổ áp xe để kiểm soát bệnh tốt hơn. Ngoài ra sau khi xuất viện, để phòng tránh viêm nội tâm mạc tái phát trở lại, người bệnh có thể sử dụng thêm các thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ thảo dược. 

Các sản phẩm từ thảo dược Đan sâm, Hoàng đằng, Cao natto… đã được chứng minh có khả năng bảo vệ van tim, từ đó giảm nguy cơ vi khuẩn tấn công trở lại. Đặc biệt với người vốn có bệnh nền tim mạch, giải pháp này còn giúp tăng cường chức năng tim, giảm các triệu chứng và biến chứng do các căn bệnh này gây ra.

Cách phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn hiệu quả

Bạn có thể giảm nguy cơ bị viêm nội tâm mạc do vi khuẩn bằng cách duy trì thói quen chăm sóc răng miệng khoa học mỗi ngày:

  • Kiểm tra sức khỏe răng miệng tối thiểu sáu tháng một lần.
  • Thường xuyên đánh răng (mỗi ngày 2 lần) và dùng chỉ nha khoa.
  • Đảm bảo chăm sóc răng giả (nếu có) để phòng ngừa nhiễm khuẩn.

Đối với trẻ sơ sinh, bố mẹ cần dùng khăn mềm hoặc gạc rơ lưỡi để vệ sinh khoang miệng cho bé. Nếu trẻ lớn hơn 1 tuổi, bạn có thể dùng bàn chải và kem đánh răng chuyên dụng. Lưu ý, bố mẹ cần tạo thói quen đánh răng cho trẻ sau mỗi bữa ăn chính, hạn chế cho bé ăn vặt buổi tối. Ngay cả khi dùng các loại thuốc nước, siro, bố mẹ cũng cần cho bé súc miệng hoặc hỗ trợ vệ sinh cho bé. Vì đa phần thuốc nước, siro chứa rất nhiều đường không có lợi cho sức khỏe răng miệng.

Uống thuốc kháng sinh trước khi làm các thủ thuật liên quan đến nướu hoặc vùng răng miệng, hoặc thủng niêm mạc miệng, đường hô hấp, da bị nhiễm trùng cũng sẽ giúp giảm nguy cơ bị viêm nội tâm mạc nhiễm trùng. Cuối cùng, bạn cần duy trì một thói quen sống lành mạnh, lạc quan yêu đời và giảm căng thẳng để tim mạch luôn khỏe. 

Lối sống lành mạnh sẽ bao gồm: Tập thể dục tối thiểu 30 phút mỗi ngày, tăng cường các thực phẩm như rau xanh, cá, đậu, thịt trắng, hạn chế thịt đỏ, dầu mỡ, thức ăn nhanh, bỏ hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, ngủ đủ giấc.

Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng là một bệnh nguy hiểm với các biến chứng khó lường. Người bệnh phải luôn đề phòng biến chứng cũng như tuân thủ điều trị để tránh các rủi ro ảnh hưởng tính mạng. 

Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin về chứng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về bệnh, bạn hãy để lại bình luận hoặc liên hệ số điện thoại 0981 238 219 để được giải đáp.

ĐT-219.jpg

Tham khảo: rarediseases.org, ncbi.nlm.nih.gov/PMC5240923/, pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19751182/, mayoclinic.org, healthline.com, heart.org, my.clevelandclinic.org, pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/770223/, timmachhoc.vn,