Khi hở van tim, nhiều người chỉ biết rằng là bệnh tim mạch mà chưa hiểu rõ tất cả các kiến thức tổng quan về bệnh như mức độ, tình trạng bệnh, nguyên nhân, triệu chứng và những lưu ý trong điều trị. Trong tình huống này chắc chắn không thể thiếu được những tư vấn của các chuyên gia tim mạch để giúp người bệnh hiểu được tình trạng, mức độ bệnh của mình.
Gs. Phạm Gia Khải – Nguyên Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam với 50 năm kinh nghiệm khám và điều trị bệnh tim mạch, sẽ giải đáp một cách tường tận, chi tiết về những băn khoăn về bệnh hở van tim.
Gs. Phạm Gia Khải cùng Mc trong buổi phỏng vấn
Khi nào van tim được coi là hở bệnh lý?
Nhắc tới khái niệm hở van tim Gs. Phạm Gia Khải cho biết: Bình thường tim của chúng ta có 4 van bao gồm: van động mạch chủ, van động mạch phổi, van 2 lá và van 3 lá. Bốn van này thay nhau đóng, mở để tuần hoàn đi theo một chiều nhất định. Theo quy luật khi các van mở ra thì mở ra hết, và đóng vào thì đóng vào hết. Nhưng khi van tim đóng, không đóng được hết gọi là hở van tim. Nhưng trên thực tế thì có thể hở một chút.
Nếu mà theo phân loại của Carpentier, hở dưới 1/6, hay dưới 1/4 gọi là hở van tim sinh lý, nhưng nếu có kèm theo những bệnh tim mạch khác, chúng ta mới gọi là hở van tim bệnh lý. Khi hở nhiều từ 2/4 trở lên lúc đó hở mới đáng kể. Tuy nhiên, đối với những người lớn tuổi hở van động mạch chủ rất ít, có thể là hở sinh lý, còn người trẻ tuổi thì dù là hở rất ít van động mạch chủ vẫn được coi là bệnh lý.
Như vậy, van hai lá, ba lá, van động mạch chủ có thể hở sinh lý. Nhưng đối với người trẻ, dù hở van động mạch chủ mức độ nào cũng là bệnh lý.
Gs. Phạm Gia Khải tư vấn về khái niệm hở van tim
Nguyên nhân hở van tim
Gs. Phạm Gia Khải chia sẻ: Khi chúng tôi còn sinh viên, thì hở van tim chủ yếu là do hậu thấp, ta gọi là thấp khớp cấp, biến chứng tim. Người ta dùng một cái danh từ văn hóa, bệnh thấp liếm vào tim. Thế nhưng bây giờ bệnh hở van tim cụ thể hở 2 lá, không chỉ có ở thấp tim mà có thể là do biến đối cấu trúc của thất trái tim. Bởi khi cơ tim giãn làm vành van 2 lá giãn ra, cũng đều có thể hở van 2 lá được.
Cụ thể bệnh van tim hở nhưng không phải do thấp tim, ví dụ như là bệnh mạch vành, suy vành, nhồi máu cơ tim làm cho động mạch vành bị thiếu máu, không cung cấp đủ máu cho cơ tim nữa và cơ tim giãn ra gây hở van tim thứ phát. Ngoài ra còn có thể là do tăng huyết áp, cũng làm cho suy thất trái gây ra hở 2 lá. Hay là do gắng sức nhiều, bị chấn thương dây chằng van tim, cũng gây hở 2 lá
Ngoài ra, hở van tim còn có thể là do sa van có thể là bẩm sinh. Ví dụ như trẻ bị dãn dây chằng van tim hoặc thiếu mất một dây.
Gs. Phạm Gia Khải chia sẻ về những nguyên nhân gây hở van
Hở van tim có di truyền không?
Như theo Gs. Phạm Gia Khải trao đổi: Bệnh tim có thể di truyền hoặc có thể không, nhưng người trong gia đình cùng mắc bệnh đó là bởi vì điều kiện sinh hoạt giống nhau. Ví dụ nhà ẩm thấp quá sẽ có nhiều vi khuẩn phát triển thì có thể mắc bệnh.
Chúng ta biết được bệnh van tim có thể sinh ra do vi khuẩn ở một số nơi, thí dụ như ở họng, mũi, sau đó làm cho kháng thể trong cơ thể phát triển, thì sự kết hợp giữa kháng nguyên và kháng thể đó ở họng đi vào trong cơ thể. Ở khớp gây đau khớp, sưng đau và lên tim thì gây tổn thương van tim, cơ tim.
Tuy nhiên, có một số ít là hở van tim có thể di truyền, nếu bệnh kèm theo những dị tật bẩm sinh khác, ví dụ như sẻ môi, mũi, mặt.
Triệu chứng cảnh báo hở van tim
“Phần lớn người bệnh hở van tim ở giai đoạn đầu không có dấu hiệu cảnh báo từ sớm. Nhưng nếu hở van tim là hậu quả của bệnh tim mạch khác thì thường sẽ có triệu chứng, chẳng hạn như người bệnh có khó thở, đánh trống ngực khi gắng sức” Gs. Phạm Gia Khải chia sẻ.
Bên cạnh đó, ngưỡng chịu đau của mỗi người không giống nhau, sự nhận biết chủ quan khác nhau. Bởi vậy, cùng một mức độ hở, cùng một loại van hở, nhưng có những người nhận rõ được dấu hiệu bất thường, nhưng có những người lại không có triệu chứng. Vì thế người ta gọi hở van tim 2 lá, 3 lá, van động mạch chủ, van động mạch phổi đều là bệnh rất âm thầm.
Gs. Phạm Gia Khải cũng cho biết thêm: Để phát hiện bệnh hở van tim, chỉ dựa vào triệu chứng và nghe tim thì chưa đủ, cần phải kết hợp cả với siêu âm nữa thì chúng ta mới có thể kết luận chính xác được.
Gs. Phạm Gia Khải tư vấn về các dấu hiệu, triệu chứng bệnh hở van tim
Hở van tim có cơ hội chữa khỏi được không
Nếu bệnh van tim là do là thứ phát, ví dụ như là do bị suy mạch vành, huyết áp cao có thể khỏi. Nhưng mà nếu hở van tim do hậu thấp thì khó có thể chữa khỏi. Bởi vì van tim đã bị tổn thương không thể hồi phục được nhưng có cách để bệnh không phát triển thêm
Các phương pháp điều trị hở van tim
Có thể điều trị bằng phương pháp nội khoa và phương pháp ngoại khoa. Khi điều trị bằng cách tối ưu thuốc men, mà thấy có hiệu quả thì tiếp tục điều trị nội khoa. Trong trường hợp, không thấy có kết quả nữa thì phải điều trị ngoại khoa.
Theo Gs. Phạm Gia Khải:
- Hở dưới 2/4 mà người không khó chịu, có thể không cần thuốc và chúng ta chỉ cần dự phòng bằng cách tiêm phòng cúm, có thể uống Penicillin hoặc uống Amoxicilin.
- Hở trên 2/4 mà người bệnh có khó thở khi gắng sức thì chúng ta phải điều trị bằng cách cho dùng thuốc lợi tiểu, trợ tim. Nếu nhịp tim không đều, rung nhĩ dùng thêm trợ tim. Còn nếu không thì có thể chỉ cần dùng lợi tiểu. Nhưng nếu dùng lợi tiểu, mà không thấy bớt, vẫn khó nhọc khi gắng sức thì buộc phải mổ.
Về phương pháp phẫu thuật bao gồm: đánh đai van, khâu díu lại bằng cách không phải mổ hoặc mổ thay van, nhưng mà tốn nhiều tiền. Nếu mà người ít tuổi, hãy còn sinh nở được thì nên dùng van của chính người bệnh hoặc thay bằng van động vật. Bởi vì khi dùng van của động vật, dùng thuốc chống đông chỉ trong vòng 3 tháng đến 6 tháng. Nhưng mà nếu dùng chất dẻo giống kim loại, thì suốt đời phải dùng thuốc chống đông, khi đó sẽ khó để mang thai. Cho nên phải suy nghĩ kỹ trước khi thay van tim, nên thay van gì và có nên thay không và nếu thay cố gắng dùng van động vật.
Gs. Phạm Gia Khải đưa ra những lưu ý trong điều trị
Người bệnh hở van tim nên lưu ý gì trong chế độ ăn
Người bệnh hở van tim nên ăn mặn ít đi. Trong trường hợp đã chuyển sang suy tim thì không nên uống nhiều, chỉ nên uống khi khát. Ngoài ra, không nên dùng các chất kích thích, các món cay, vì sẽ gây khó chịu.
Khi đã loạn nhịp tim, rung nhĩ, thì ngoài thuốc men là thuốc chống đông, thuốc kháng vitamin K, không nên ăn những thực phẩm làm cho vitamin K tăng lên, bởi có thể gây đông máu rất nguy hiểm. Cụ thể là các loại thực phẩm như là củ cải, súp lơ (loại màu xanh bông nhỏ li ti) là không nên ăn và đương nhiên không được sử dụng vitamin K.
Gs. Phạm Gia Khải tư vấn những thực phẩm nên ăn, nên kiêng
Người hở van tim nên tập luyện như thế nào?
Khi hở van tim có kèm rung nhĩ thì nên tránh tập luyện quá sức. Có số liệu đã thống kê rằng: Những người tập nhiều thì khỏe hơn, nhưng lại chết sớm hơn những người không tập. Theo tôi, việc tập luyện tốt nhất là đi bộ, từ 5-7 ngày 1 tuần, đi bộ theo ý mình, không phải tập với ai cả. Ví dụ như một người 50 tuổi lại tập theo một người 30 tuổi thì không nên.
Đi xe đạp cũng khá tốt cho người bệnh tim mạch, nhưng nên đặt xe trong nhà, bởi đi ngoài đường có thể gặp rủi ro do thời tiết. Nên nhớ những người mắc bệnh tim sẽ yếu hơn người bình thường, ngã xuống là khó có thể dậy được.
Chắc hẳn qua những tư vấn trên đây của Gs. Phạm Gia Khải đã giúp người bệnh hở van tim hiểu hơn về bệnh của mình. Tuy nhiên, đây chỉ là những thông tin tổng quan về bệnh, đối với mỗi người sẽ có mức độ, tình trạng bệnh khác nhau. Hãy chia sẻ với chúng tôi để được các chuyên gia tim mạch tư vấn cụ thể trường hợp của bạn.
Biên tập viên chương trình
(Theo tư vấn của Gs. Phạm Gia Khải)