Nắm được kiến thức về vôi hóa van tim là điều rất quan trọng, bởi một khi van vôi hóa, việc chữa khỏi là không thể, khi đó gặp những biến chứng là điều khó tránh. Điều này lại càng nguy hiểm hơn vì bệnh âm thầm phát triển theo thời gian, mà không có dấu hiệu cảnh báo từ trước.
Van động mạch chủ bị vôi hóa
Khi nào van tim bị vôi hóa?
Vôi hóa van tim là một tình trạng van bị tổn thương, tạo điều kiện cho các mảng Canxi, mô mỡ và các khoáng chất bám tại van. Điều này làm van tim cứng và hẹp lại đóng mở kém linh hoạt hơn, dẫn đến hẹp hoặc/và hở van tim, làm ảnh hưởng tới lưu động của dòng máu khi qua van
Vôi hóa van tim là do đâu? Van nào dễ bị?
Theo Gs. Phạm Gia Khải – Nguyên Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho biết: Căn nguyên gây ra sự tổn thương van chủ yếu là do dòng máu xoáy mạnh và kéo dài. Khi van bị thoái hóa, mô sống đã thành mô chết, thì vôi hóa là chuyện tất yếu. Ở mỗi người, thời gian van vôi hóa không giống nhau, mà sẽ phụ thuộc vào sức bền của van, vận động hàng ngày và bệnh tim mạch mắc kèm.
Vận động quá sức là nguyên nhân chính gây vôi hóa van tim
Mọi hoạt động gắng sức hay khi căng thẳng đều làm cho tim phải co bóp mạnh và nhanh hơn, khi đó các van càng phải chịu dòng xoáy mạnh với tần suất nhiều hơn. Đến một giới hạn nào đó, sẽ kiến van tim bị tổn thương. Ở mỗi người, sức chịu đựng của van là khác nhau. Trong một số trường hợp có mắc kèm thêm các bệnh tim mạch khác như hẹp, hở van bẩm sinh, huyết áp cao,… làm tăng nguy cơ van bị vôi hóa hơn. Bởi vậy mà có những người ở tuổi 30 van đã vôi hóa, nhưng có những người dù đã 60 – 70 tuổi van vẫn còn khả năng đóng mở nhịp nhàng mà không có biểu hiện tổn thương.
Trong 4 van tim bao gồm: Van 2 lá, van 3 lá, van động mạch chủ và van động mạch phổi, thì van động mạch chủ là loại van có dòng máu đi qua mạnh nhất. Bởi vậy, tỷ lệ người bị vôi hóa van động mạch chủ chiếm phần lớn. Tiếp đến là van 2 lá, van 3 lá. Van động mạch phổi ít bị vôi hóa nhất
Vôi hóa van tim chữa không tốt có thể gây ra rủi ro gì?
Mặc dù vôi hóa van tim chỉ là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh van tim. Nhưng có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, điển hình là viêm nội tâm mạc. Đây là một biến chứng nguy hiểm bởi người bệnh có thể tử vong bất cứ lúc nào. Vôi hóa van tim không phải là căn nguyên gây nhiễm trùng tâm mạc, nhưng là yếu tố khiến van tim dễ bị nhiễm trùng hơn van bình thường.
Bên cạnh đó, vôi hóa van tim khiến van đóng mở không còn nhịp nhàng, ảnh hưởng sự lưu thông máu ra vào tim, dẫn đến ứ trệ tuần hoàn, tim đập bất thường gây rối loạn nhịp tim. Với biểu hiện hồi hộp và đánh trống ngực.
Người có tình trạng vôi hóa van tim đã bị biến chứng có thể sẽ có biểu hiện hồi hộp, trống ngực
Khi van động mạch chủ bị vôi hóa ở mức độ nặng, lỗ van càng thu hẹp. Để đảm bảo cung cấp đủ máu đi nuôi cơ thể, tim phải hoạt động nhiều hơn, lâu dần có thể thể dẫn đến phì đại tâm thất trái. Nếu tình trạng này kéo dài càng lâu, nguy cơ bị suy tim càng cao.
Cách ngừa vôi hóa van tim không tiến triển
Gs. Phạm Gia Khải cũng cho biết, để điều trị bệnh vôi hóa van tim tức là chúng ta phải làm thế nào để tránh tình trạng vôi hóa van, chậm phát triển và tránh dòng máu xoáy mạnh đi qua đó.
Để đạt được mục tiêu này, ngoài sử dụng các thuốc điều trị có tác dụng giảm nhẹ gánh nặng cho tim, điển hình như thuốc giãn mạch, thuốc chẹn beta, chẹn kênh canxi, thuốc lợi tiểu…
Người bệnh nên tránh hoạt động gắng sức, bởi khi gắng sức thì dòng máu sẽ xoáy mạnh khiến van tim sớm bị vôi hóa. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần vận động cơ thể thì máu mới có thể lưu thông. Đi bộ vừa sức, 5 buổi/tuần là lời khuyên của Gs. Phạm Gia Khải khi hướng dẫn người bệnh cách tập luyện tốt cho tim mạch.
Bên cạnh đó, người bệnh cần lưu ý tới chế độ ăn, nên hạn chế ăn những thực phẩm có chứa nhiều chất béo để kiểm soát chỉ số cholesterol máu; ăn giảm muối và tăng cường các loại rau xanh.
Gs. Phạm Gia Khải tư vấn cách chữa cho một số trường hợp cụ thể
Câu hỏi từ một độc giả: Ba tôi năm nay 82 tuổi, bị hở van tim 2 lá 2.5/4, xơ hóa, dày van. Van động mạch chủ hở 1/4, type III, van dày, xơ hóa, vôi hóa, hẹp van động mạch chủ 0.78 cm2, hở van tim 3 lá 1/4. Chưa có huyết khối, buồng tim giãn, chức năng tâm thu EF = 42%.
Ba tôi đã có triệu chứng khó thở, ngất xỉu. Bác sĩ có chỉ định phẫu thuật thay van, nhưng do tuổi cao gia đình tôi e ngại. Xin Gs tư vấn có nên làm phẫu thuật không, nếu phẫu thuật thành công ông có thể sống được tối đa bao nhiêu năm ạ?
Gs. Ts Phạm Gia Khải: “Van động mạch chủ là một lỗ vừa một ngón tay trỏ, van 2 lá 2 ngón tay vừa, van 3 lá 3 ngón tay vừa. Như vậy 1 ngón tay vừa là 1 cm, 2 ngón tay vừa là 2cm trở lên, và 3 ngón tay vừa là 3cm trở lên. Vậy van động mạch chủ của ông ấy là 0,8 cm, tức là có hẹp, nhưng không nhiều.
Nhưng về nguyên tắc, trước khi mổ van cho một người lớn tuổi, cần phải xem xét tới sức sức khỏe và chụp mạch vành xem có bị tắc hẹp mạch vành không. Ông khó thở nhiều, với van 2 lá hở 2,5/4 không phải là nhiều, van động mạch chủ 1/4 càng nhẹ, vậy thì mới bệnh hở van như thế không thể nào khó thở ngất như vậy được. Nên cần phải xem xét thêm bệnh mạch vành, bởi 82 tuổi thì rất khó lòng thoát khỏi xơ vữa động mạch. Ở đó họ cũng định mổ theo tôi, nhưng họ đi chụp mạch vành cái xem sao, thì thấy động mạch vành bị hẹp, thế là làm cầu nối động mạch chủ với động mạch vành và thay van 2 lá.
Cho nên, về nguyên tắc, những người trung niên từ 50 tuổi trở lên, nữ từ 45 tuổi, cần phải chụp động mạch vành trước khi thay van.
Gs. Phạm Gia Khải tư vấn trường hợp của người bệnh trong buổi phỏng vấn
Câu hỏi từ một độc giả: “Bố tôi 45 tuổi, bị bệnh van tim hậu thấp 20 năm, đã mổ thay van gần 10 năm. Hàng tháng vẫn tái khám định kỳ và uống thuốc theo đơn của Bs. Nhưng đến nay van tim có nốt vôi hóa. Xin Gs cho biết, vôi hóa van tim có liên quan tới chế độ ăn hay không. Và trong trường hợp phải thay van tim lần 2 thì nên thay van gì để có sức khỏe tốt hơn?”
Gs. Ts Phạm Gia Khải:
“45 tuổi thì chưa phải là già. Bây giờ thì ông cứ dùng thuốc chống đông như tôi nói và giữ INR ở ngưỡng 2-3. Bao giờ có tiến triển thành suy tim rồi thì mới thay van lại và có thể dùng van sinh học
Nhưng nếu lúc đó ông bị nhịp xoang thì ông chỉ dùng thuốc chống vón tiểu cầu aspirin và clopidogrel trong 3 - 6 tháng. Nhưng nếu ông bị loạn nhịp tim thì cần dùng thuốc kháng vitamin K.
Nếu thay van lần 2, thì có thể thay bằng van sinh học vì khi đã nhiều tuổi thì thời gian sống không còn nhiều nữa. Tại sao không dùng van sinh học ở người trẻ, nhất là nữ. Bởi vì người trẻ thì fibrinogen lắng đọng nhiều dễ gây đông máu. Ở nữ, đặc biệt khi có thai thì fibrinogen lại càng lắng đọng nhiều hơn, người lớn tuổi thì ít hơn.
Về ăn uống thì vôi hóa van tim liên quan tới chế độ ăn ít mà liên quan tới sinh hoạt nhiều. Nếu càng hoạt động gắng sức, làm việc nặng nhiều khả năng bị vôi hóa càng cao. Ta thấy ở động mạch bị hẹp thì hay vôi hóa vì dòng máu siết mạnh ở đó. Nhưng làm thế nào mà hạn chế dòng máu siết mạnh thì rất là khó. Ví dụ như một người phải lao động, khó có thể bắt người ta vận động chậm và nhẹ nhàng lại được.
Gs. Phạm Gia Khải tư vấn trường hợp của người bệnh trong buổi phỏng vấn
Như vậy, cùng là vôi hóa van tim, nhưng mỗi một trường hợp sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng tình trạng bệnh cụ thể. Hãy chia sẻ với chúng tôi bệnh tim mạch của bạn để được các chuyên gia tim mạch tư vấn nhé!
Biên tập viên chương trình
(Theo tư vấn của Gs. Phạm Gia Khải)