Stent mạch vành được dùng để làm gì?

Stent mạch vành là một giá đỡ động mạch vành, có hình dáng như một ống lưới nhỏ, được cấu tạo bằng kim loại hoặc polymer có phủ thuốc hoặc không phủ thuốc.

Can thiệp mạch vành qua da (PCI), hay đặt stent mạch vành là thủ thuật can thiệp tim mạch không phải phẫu thuật, stent được chèn vào trong cơ thể nhờ ống thông có bóng ở đầu để mở rộng các động mạch nuôi tim đang bị tắc nghẽn.

Can thiệp đặt stent mạch vành, mỗi năm giúp hàng triệu bệnh nhân cải thiện lưu lượng máu đến tim, giảm đau thắt ngực, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim. Vậy khi nào phải đặt stent mạch vành? Đặt stent có chữa khỏi bệnh mạch vành không? Đừng bỏ qua bất cứ thông tin nào trong bài viết để hiểu hơn về phương pháp can thiệp này.

Đặt stent mạch vành được áp dụng khi bị thiếu máu cơ tim nặng hoặc có nguy cơ nhồi máu do mảng xơ vữa.

Đặt stent mạch vành được áp dụng khi bị thiếu máu cơ tim nặng hoặc có nguy cơ nhồi máu do mảng xơ vữa.

Khi nào cần đặt stent mạch vành?

Không phải tất cả những người bị tắc hẹp mạch vành đều cần đặt stent tim. Với các trường hợp bị hội chứng mạch vành cấp tính hoặc trong các trường hợp đau thắt ngực do hội chứng mạch vành mạn tính không đáp ứng với thuốc điều trị, nó có thể rất hữu ích. Đặt stent mạch vành có thể cứu mạng bạn trong một cơn đau tim, nhưng đó chưa phải là cách tốt nhất để ngăn ngừa cơn đau tim xuất hiện trong tương lai.

Phần trăm (%) tắc hẹp mạch vành cũng là một trong số các tiêu chí để các bác sĩ chỉ định điều trị bằng đặt stent, nhưng trên thực tế, có những trường hợp tắc nghẽn đến 80 - 90% cũng chưa phải đặt stent. Ngược lại có người mới tắc 40, 50% đã cần đặt, vì họ bị “mảng xơ vữa mềm” dễ bị nứt vỡ tạo ra cục máu đông (huyết khối).

Do vậy, các triệu chứng đi kèm với các kết quả chẩn đoán bằng hình ảnh (siêu âm tim, điện tâm đồ, thử nghiệm gắng sức hoặc chụp mạch vành xóa nền) mới đóng vai trò quan trọng trong quyết định đặt stent của bác sĩ.

Tiến sĩ Drachman, bác sĩ tim mạch can thiệp tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (trực thuộc bệnh viện Đại học Y khoa Harvard) cho biết: Một số dấu hiệu hàng ngày có thể giúp người bệnh nhận biết dấu hiệu chỉ điểm tắc nghẽn có thể cần đặt stent. Chẳng hạn như:

  • Cảm thấy yếu hoặc khó chịu ở ngực hoặc khó thở khi gắng sức nhẹ
  • Giảm khả năng vận động. Ví dụ như trước đây chỉ thấy khó thở đi lên dốc hay leo cầu thang hoặc bê vật nặng, nhưng vài tuần nay cảm thấy các triệu chứng đó xuất hiện ngay cả khi đi trên mặt phẳng.

Đặt stent có chữa khỏi bệnh mạch vành không?

Mặc dù có những stent có tuổi thọ gần như suốt đời (trừ stent tự tiêu) nhưng đặt stent không giúp chữa khỏi vĩnh viễn bệnh mạch vành. Sau can thiệp, người bệnh vẫn có nguy cơ bị tái tắc hẹp mạch vành và phải đặt lại stent. Việc phải đặt lại stent có thể xuất phát từ những lý do sau:

  • Người bệnh bị tắc hẹp mạch vành trở lại ngay trên stent. Có 10 – 20% người đặt stent kim loại trần bị tái hẹp và con số này ở người đặt stent phủ thuốc là 5%.
  • Có cục máu đông (huyết khối) hình thành ở stent, ngay cả vừa làm phẫu thuật xong. Những cục máu đông này có thể bịt kín mạch vành gây đau tim.
  • Tắc hẹp ở những vị trí khác trên động mạch vành. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra nếu như bạn không kiểm soát tốt mỡ máu và huyết áp của mình.

Thời gian tái tắc hẹp có thể chỉ là 6 - 12 tháng hoặc kéo dài đến 15 - 20 năm sau can thiệp. Điều này phụ thuộc nhiều vào quá trình điều trị sau đặt stent. Vì vậy, dù đã can thiệp, bạn vẫn cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của thầy thuốc để tăng tuổi thọ cho phương pháp này.

Cục máu đông hình thành trên stent là trường hợp cấp cứu khẩn cấp.

Cục máu đông hình thành trên stent là trường hợp cấp cứu khẩn cấp.

Chuẩn bị kỹ trước khi đặt stent để tăng tỷ lệ thành công sau can thiệp

Dù được đánh giá là một phương pháp an toàn nhưng đặt stent mạch vành vẫn tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Việc chuẩn bị kỹ trước khi thực hiện can thiệp sẽ giúp bạn giảm thiểu tối đa các rủi ro này.

Hiểu rõ về các loại stent mạch vành

Trước đây, tại Việt Nam chỉ có 2 loại stent chính là stent kim loại thường và stent phủ thuốc. Tuy nhiên hiện nay, người bệnh mạch vành đã có thêm nhiều lựa chọn với các loại stent mới nhiều ưu điểm hơn.

  • Stent kim loại trần: Ưu điểm của loại stent này là chi phí rẻ, chỉ khoảng 15 - 20 triệu. Tuy nhiên nguy cơ tái tắc hẹp sau đặt lại khá cao nên hiện nay ít được sử dụng hơn các loại stent khác.
  • Stent phủ thuốc: Loại stent vẫn được làm bằng khung kim loại nhưng đã được phủ thêm 1 lớp thuốc để giảm nguy cơ hình thành sẹo tại vị trí đặt. Nhờ đó, tỷ lệ tái tắc hẹp sau đặt giảm 20 - 30% so với stent kim loại. Nhưng giá của loại stent này sẽ cao hơn (35 - 45 triệu) và người bệnh phải duy trì dùng thuốc chống đông sau đặt.
  • Stent tự tiêu (stent sinh học): Khác với stent phủ thuốc, stent tự tiêu được làm bằng vật liệu tan tự nhiên. Vật liệu này sẽ giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông sau đặt. Giá loại stent này rơi vào khoảng 55 - 65 triệu.
  • Stent trị liệu kép: Đây là loại stent mạch vành mới nhất, giá cao nhất nhưng cũng có nhiều ưu điểm nhất. Loại stent này tận dụng được cả lợi thế của stent tự tiêu và stent phủ thuốc. Nhờ đó khả năng chống tái tắc hẹp và giảm nguy cơ hình thành cục máu đông được nâng cao hơn nhiều.

Nhìn chung, càng stent thế hệ mới thì càng tốt. Tuy nhiên, việc chọn stent nào còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi người bệnh. Bởi không phải loại stent nào cũng phù hợp với mọi người bệnh. Ví dụ stent phủ thuốc tốt nhưng có người bệnh lại bị dị ứng với loại stent này.

Chi phí thực hiện can thiệp cũng là 1 yếu tố cần cân nhắc. Ngoài chi phí mua stent, bạn còn phải chi trả cho thuốc, giường bệnh trước - trong và sau can thiệp nên tổng chi phí sẽ lên tới 80 - 150 triệu đồng. Mặc dù bảo hiểm y tế có chi trả 1 phần (80% nếu đúng tuyến, 40 - 60% nếu trái tuyến, không quá 67.050.000đ) nhưng đây cũng là một con số không nhỏ.

Tốt nhất, bạn nên trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi đặt để tìm ra loại stent vừa có hiệu quả vừa phù hợp với khả năng kinh tế của bạn.

Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn loại stent mạch vành phù hợp nhất.

Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn loại stent mạch vành phù hợp nhất.

Tìm hiểu quy trình và nơi đặt stent

Hiểu rõ đặt stent mạch vành ở đâu và quy trình đặt stent cũng giúp bạn an tâm hơn trước khi bước vào can thiệp này. Nhìn chung, đặt stent không phải thủ thuật quá khó. Vì vậy bạn có thể thực hiện ngay ở các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh. Trường hợp bạn đang ở các thành phố lớn, bạn có thể tham khảo các bệnh viện tuyến trung ương như: Bạch Mai, Viện E, 108, bệnh viện trung ương Huế, Viện tim Hồ Chí Minh, Viện tim Tâm Đức, bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ...

Quá trình đặt stent khá đơn giản và thường chỉ kéo dài khoảng 1 - 2 tiếng. Bác sĩ sẽ sử dụng ống thông có bóng cao su nhỏ, được đưa vào mạch máu bị chặn, bơm bóng lên khơi thông mạch. Cuối cùng là để lại ống lưới nhỏ gọi là stent nhằm giữ cho mạch máu rộng mở.

Người bệnh cần chuẩn bị gì trước khi đặt stent (giá đỡ) động mạch vành

Nhưng trước khi can thiệp đặt stent, bác sĩ sẽ kiểm tra thể chất, xem lịch sử bệnh, chụp X-quang, điện tâm đồ, xét nghiệm máu. Đặc biệt là chụp động mạch vành để xem mức độ hẹp mạch máu và bạn có phù hợp điều trị với phương pháp này không.

Thời gian chụp mạch vành kéo dài chừng 30 - 45 phút, người bệnh được được thuốc cản quang. Vì thế, người bệnh cần nói với bác sĩ tất cả các loại thuốc bạn đang dùng, bao gồm cả sản phẩm từ đông y; tiền sử dị ứng của bạn, đặc biệt là mẫn cảm với I-ốt, động vật có vỏ giáp xác, thuốc cản quang, sản phẩm từ cao su, thuốc kháng sinh nhóm penicillin

  • Ngừng ăn uống 6 – 8 giờ trước khi chụp động mạch
  • Uống thuốc đã được bác sĩ kê đơn với một ngụm nước nhỏ vào buổi sáng thực hiện can thiệp
  • Mang hết các thuốc bạn đang dùng đến bệnh viện, gồm cả nitroglycerin

Ngoài ra, bạn cần có thân nhân đi cùng để ký giấy chấp thuận và hỗ trợ chăm sóc bạn sau khi can thiệp và đưa về nhà. Vì thủ thuật này đòi hỏi nằm viện qua đêm và bạn cũng không thể tự đi xe về nhà vào hôm sau.

Bạn cần dùng thuốc theo hướng dẫn bác sĩ trước khi đặt stent mạch vành.

Bạn cần dùng thuốc theo hướng dẫn bác sĩ trước khi đặt stent mạch vành.

Đề phòng những biến chứng thường gặp sau mổ

Sau đặt stent, bạn có thể gặp một số biến chứng như:

  • Chảy máu, nhiễm trùng từ vị trí đặt ống thông; sốt; đau
  • Tổn thương động mạch
  • Tổn thương thận
  • Rối loạn nhịp tim
  • Tái tắc hẹp mạch vành ngay tại vị trí đặt stent hoặc các vị trí khác.
  • Hình thành cục máu đông gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

Vì vậy, thường sau phẫu thuật bạn sẽ ở lại viện qua đêm để bác sĩ theo dõi và điều chỉnh thuốc. Trong tuần đặt stent bạn đã có thể quay trở lại làm việc. Khi về nhà hãy uống nhiều nước, tránh tập thể dục vất vả hay nâng vật nặng khoảng vài ngày.

Hầu hết bệnh nhân sau khi đặt stent phải dùng aspirin hàng ngày, có thể kết hợp với clopidogrel (Plavix), prasugrel hoặc ticagrelor trong khoảng 3 tháng đến 1 năm. Hãy tuân thủ điều trị, không hút thuốc, ăn chế độ ăn ít chất béo và muối, vận động nhẹ nhàng, đồng thời kết hợp các sản phẩm hỗ trợ để giảm nguy cơ biến chứng sau đặt. 

Nguồn tham khảo: mayoclinic, nhs.uk, healthline, webmd