Theo Gs. Ts Phạm Gia Khải - Nguyên Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho biết: nếu coi các triệu chứng là gợi ý để phát hiện bệnh mạch vành thì việc làm thêm các xét nghiệm hình ảnh là nhằm để chẩn đoán chính xác bệnh mạch vành. Vậy bằng cách nào để người bệnh có thể biết được có mắc bệnh mạch vành hay không? Tất cả sẽ được Gs giải đáp ở bài viết sau.

Gs Phạm Gia Khải cùng Mc trong buổi phỏng vấn về chủ đề cách phát hiện bệnh mạch vành, thiếu máu cơ tim

Dấu hiệu triệu chứng cảnh báo bệnh mạch vành

Việc điều trị bệnh mạch vành muộn vừa làm giảm hiệu quả điều trị vừa gây ra nhiều biến cố trên tim mạch. Bởi vậy, phát hiện bệnh từ giai đoạn đầu thông qua các triệu chứng rất quan trọng. Tuy không thể chẩn đoán chính xác nhưng đó là cơ sở để người bệnh tiến tới việc thăm khám bệnh.

Triệu chứng bệnh mạch vành khá đa dạng, ở mỗi người không giống nhau, thậm chí là không có triệu chứng. Tuy nhiên, đau thắt ngực là triệu chứng điển hình nhất của bệnh mạch vành. Cơn đau ngực có thể xảy ra đột ngột, đau tức ngực, đau thắt, đau ở sau trong lòng ngực, có thể đau lan ra thần kinh cánh tay bên trái, xuống ngón tay nhưng có khi lại không lan ra.

Nói về vấn đề này, Gs. Phạm Gia Khải còn cho biết thêm “Biểu hiện bệnh còn không gắng sức được. Ví dụ như trước đây đi 100-200m là bình thường còn bây giờ đi 100-200 là thở gấp. Triệu chứng tôi nói quan trọng nhất là không gắng sức được và hay đau ngực”.

Bên cạnh đó, Gs còn lo lắng về vấn đề người bệnh hay nhầm lẫn giữa đau ngực do bệnh tim mạch và do bệnh đường tiêu hóa như đau do viêm dạ dày, hội chứng trào ngược dạ dày. Tuy nhiên, đau ngực do đường tiêu hóa có cái khác là kèm theo giọng khàn đi vì dịch vị bị trào ngược lên dây thanh âm. Do đó người bệnh cần phải xem xét có triệu chứng về tiêu hóa không

Gs. Ts Phạm Gia Khải hướng dẫn cho người bệnh cách nhận biết triệu chứng bệnh mạch vành

Những ai dễ có nguy cơ mắc bệnh mạch vành

Một khi người bệnh xuất hiện triệu chứng bệnh mạch vành, tức là bệnh đã ở giai đoạn nặng. Bởi vậy, cách tốt nhất để được phát hiện và điều trị bệnh từ sớm là cần phải thăm khám định kỳ đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành.

Theo Gs. Ts Phạm Gia Khải người cao tuổi, hút thuốc lá, hay uống rượu, bia, mỡ máu cao, bị tăng huyết áp… là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao và cần phải thăm khám định kỳ để theo dõi tiến triển của bệnh. Nếu bạn nằm trong số những nhóm này đừng quên tái khám để theo dõi bệnh tim mạch

Các phương pháp để chẩn đoán bệnh mạch vành

Có nhiều phương pháp được sử dụng để chẩn đoán bệnh mạch vành. Nhưng điều quan trọng là bạn áp dụng phương pháp đó vào lúc nào và có tác dụng gì trong chẩn đoán bệnh. Hãy cùng tiếp tục theo dõi bài viết để nhận được những tư vấn của Gs. Ts Phạm Gia Khải.

Điện tâm đồ để xác định tình trạng tim mạch

Gs. Ts Phạm Gia Khải cho biết điện tâm đồ không phải là xét nghiệm bắt buộc phải có khi bị bệnh mạch vành, vì có những trường hợp mắc bệnh mà không có thay đổi điện tâm đồ. Bởi chưa có thay đổi sâu sắc về sinh lý đến mức độ như vậy. Tuy nhiên, trong các trường hợp bị đau ngực, nhưng không có bệnh trên đường tiêu hóa, thì có thể cần phải làm điện tim trước để xác định sơ bộ vấn đề trên tim mạch

Gs. Ts Phạm Gia Khải chỉ ra vai trò của phương pháp điện tâm đồ trong chẩn đoán bệnh mạch vành - Thiếu máu cơ tim

Siêu âm tim và xét nghiệm hóa sinh để xác định mức độ tổn thương của tim

Một khi tim bị thiếu máu nuôi dưỡng theo thời gian tim sẽ dần bị tổn thương và suy yếu. Khi đó làm siêu âm tim và xét nghiệm sinh hóa máu là cách tốt nhất để xác định mức độ tổn thương của tim mà cái quan trọng nhất là làm men tim Troponin T trong xét nghiệm hóa sinh.

Chụp mạch vành trực tiếp nhằm chẩn đoán chính xác bệnh mạch vành

Chụp mạch vành có 2 loại bao gồm: chụp mạch vành có tiêm thuốc cản quang (tiêm iod) và chụp mạch vành không tiêm thuốc cản quang. Tuy nhiên, chụp mạch vành không tiêm thuốc cản quang là để tìm các điểm vôi hoá trên động mạch vành, nhưng để xác định đường đi của máu trong động mạch vành để xem mạch vành có bị hẹp hay không thì bắt buộc phải có thuốc cản quang. Do vậy, hiện nay nhắc đến chụp mạch vành tức là phải tiêm thuốc cản quang.

Gs. Phạm Gia Khải cho biết, theo cái nhìn của Gs chụp mạch vành là phương pháp chẩn đoán chính xác nhất nhằm xem xét mức độ tắc hẹp mạch vành và nguyên nhân gây hẹp mạch vành. Tuy nhiên, phương pháp này thường được chỉ định khi bác sĩ tính đến can thiệp luôn, ít khi chỉ chụp để biết mức độ bệnh, bởi trong lúc chụp có thể gây tai biến. Do vậy, bác sĩ sẽ là người hiểu tình trạng bệnh nhất và đưa ra chỉ định phù hợp, bạn không nên chụp nếu không có yêu cầu của bác sĩ.

Rủi ro nguy hiểm nhất khi chụp mạch vành là dị ứng với iod hoặc dị ứng với một thuốc nào đó như Aspirin, Clopidogrel là thuốc chống đông tiểu cầu, có những người bị dị ứng và gây nguy kịch tới tính mạng, hoặc là bị chảy máu nội tạng, mạch máu tiêu hóa. Do vậy, trước khi làm thủ thuật người bệnh cần chia sẻ những thuốc có tiền sử bị dị ứng.

Gs. Ts Phạm Gia Khải chỉ ra những lưu ý khi chụp mạch vành cho người bệnh

Chụp cắt lớp vi tính mạch vành (MSCT mạch vành)

MSCT là viết tắt của Multislice computed tomography - chụp cắt lớp vi tính, chi tiết là: có 1 cái máy tính - máy CT, có nhiều bóng đèn cùng chiếu vào 1 chỗ, nhiều bóng đèn tương ứng với nhiều nhát cắt. Từ 64 nhân đôi là 128, nhân đôi tiếp là 256. Càng nhiều nhát cắt sẽ càng tốt vì được chẩn đoán chính xác hơn

Gs. Phạm Gia Khải cho biết: Chụp cắt lớp vi tính mạch vành rất có ý nghĩa nếu mạch vành chưa bị vôi hóa, còn nếu đã bị vôi hoá thì cần phải chụp trực tiếp thêm mạch vành. Chụp cắt lớp vi tính cũng cần bơm iod nhưng ít hơn so với chụp trực tiếp mạch vành, nên rủi ro vẫn có thể gặp phải ở phương pháp này.

Có nhiều phản ứng, dị ứng xảy ra muộn có thể sau nửa ngày mới xuất hiện, nên theo Gs. Phạm Gia Khải theo dõi thấy sau khi làm MSCT hay chụp mạch vành trực tiếp thì người bệnh không nên về nhà ngay, người bệnh nên nằm lại bệnh viện để theo dõi và đặc biệt lưu tâm đến phản ứng nôn rất nguy hiểm. Đã từng có trường hợp bị tử vong vì nôn, do vậy cần phải theo dõi sau khi chụp. Mặc dù chỉ một số ít bệnh nhân có phản ứng phụ, nhưng cũng cần phải theo dõi ít nhất một ngày rồi mới xuất viện.

Các loại chụp mạch vành MSCT và những lưu ý sau khi chụp để tránh rủi ro

Như vậy có nhiều cách để chẩn đoán bệnh mạch vành, nhưng tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà có thể áp dụng phương pháp phù hợp nhằm tránh ảnh hưởng sức khỏe của thủ thuật đó mà vẫn có thể kết luận bệnh chính xác. Do vậy “hãy tuân thủ và làm theo sự chỉ dẫn của bác sĩ thăm khám trực tiếp cho mình và điều quan trọng là trao đổi với bác sĩ những tiền sử dị ứng của mình” là lời khuyên mà Gs. Phạm Gia Khải gửi gắm tới những người đang nghi ngờ về bệnh tim mạch của mình.