Bisoprolol là thuốc giúp hạ huyết áp, nhịp tim được kê đơn phổ biến ở người bệnh tim mạch, đặc biệt là các trường hợp như cao huyết áp, tim đập nhanh, đau thắt ngực. Bài viết dưới đây sẽ là những thông tin bạn cần biết về Bisoprolol cũng như các lưu ý khi dùng thuốc để nhận được tối đa tác dụng của thuốc và hạn chế rủi ro nguy hiểm!
Bisoprolol có tác dụng hạ huyết áp và làm chậm nhịp tim, giảm gánh nặng cho tim
Thuốc Bisoprolol có tác dụng gì?
Bisoprolol có tác dụng giúp giảm nhịp tim, hạ huyết áp, giảm gánh nặng cho tim, ngăn ngừa cơn đau thắt ngực và suy tim tiến triển. Có được tác dụng này là nhờ cơ chế chẹn thụ thể beta 1 adrenergic ở tim. Khi thụ thể này bị ức chế, hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh gây co mạch, tăng nhịp tim, tăng huyết áp (như adrenaline và noradrenaline) sẽ giảm đi.
Ai được chỉ định và chống chỉ định với Bisoprolol?
Bisoprolol thường được chỉ định trong các trường hợp: tăng huyết áp, đau thắt ngực, suy tim mạn tính ổn định có giảm chức năng tâm thu thất trái từ vừa đến nặng và rối loạn nhịp tim (Tim đập nhanh).
Thuốc chống chỉ định (không được sử dụng) với những người bệnh:
- Suy tim cấp, suy tim độ 3 hoặc độ 4
- Block nhĩ thất độ 2 - 3
- Nhịp tim chậm xoang (dưới 60 lần/phút)
- Hen phế quản nặng hoặc bệnh phổi - phế quản mạn tính
- Hội chứng Reynaud, u tuỷ thượng thận.
Các biệt dược của Bisoprolol và giá bán
Bisoprolol có 4 dạng hàm lượng là Bisoprolol 1.25mg, Bisoprolol 5mg, Bisoprolol 2.5mg và Bisoprolol 10mg với các biệt dược phổ biến là: Concor 2.5mg và Concor 5mg; Zebeta 10mg; Bisoprolol STADA 5mg, Bisoprolol STADA 10mg; Bisostad 2.5; Bisostad 5…
Giá thuốc Bisoprolol sẽ tùy thuộc vào hàm lượng, biệt dược và địa chỉ mua. Dưới đây là bảng giá chi tiết bạn có thể tham khảo:
- Bisoprolol 2.5mg: giá 200.000đ/ hộp 28 viên.
- Bisoprolol 5mg: giá 210,000đ/ hộp 30 viên.
- Bisoprolol 10mg: giá 240.000/ hộp 14 viên.
Concor là thuốc biệt dược phổ biến nhất của Bisoprolol
Bisoprolol nên được dùng như thế nào?
Bạn nên uống Bisoprolol cả viên, không nên bẻ, nghiền hay hòa thuốc uống để không làm giảm khả năng hoạt động của thuốc.
Thuốc có thể uống trước hoặc sau ăn đều được. Nhưng tốt nhất là nên uống vào buổi sáng và cố định thời điểm giữa các ngày để tránh quên liều, tạo nồng độ thuốc ổn định và cơ thể hấp thụ tốt nhất. Đặc biệt, bạn nên nằm hoặc ngồi khi dùng thuốc để tránh bị tụt huyết áp tư thế đứng.
Bạn cần tuân thủ tuyệt đối theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý ngừng thuốc đột ngột khi đang điều trị. Việc ngừng thuốc đột ngột có thể khiến tình trạng đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tim đập nhanh nặng hơn. Trong trường hợp bệnh tình không thuyên giảm hay muốn giảm liều bạn cần gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
Nếu bạn đang dùng Bisoprolol nhưng chưa kiểm soát được huyết áp hay nhịp tim, hãy gọi cho chuyên gia theo số 0981.238.219 để được tư vấn cách dùng phù hợp nhất với tình trạng bệnh của bạn!
Liều dùng thuốc hạ huyết áp Bisoprolol
Liều dùng của Bisoprolol thường là 1,25 - 10mg/ngày tùy thuộc bệnh lý mắc phải, chức năng gan thận và mức độ đáp ứng của cơ thể với thuốc. Ví dụ:
- Với người tăng huyết áp, đau thắt ngực: Liều khởi đầu là dùng 5 mg Bisoprolol/ngày, liều duy trì là 5 - 20mg/ngày, tối đa không quá 20mg/ngày
- Với người suy tim sung huyết, rối loạn nhịp tim nhanh: Liều dùng Bisoprolol khởi đầu là 1,25 mg/ngày, sau đó duy trì ở liều 1,25 - 10 mg/ngày.
- Với người có vấn đề về thận (CrCl ít hơn 40 ml/ phút): Liều khởi đầu là 2,5mg/ngày, sau đó duy trì 2,5-20mg/ngày.
Do đó, bạn nên tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu muốn thay đổi liều, cần đi thăm khám lại.
Liều dùng Bisoprolol cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ
Lưu ý khi dùng Bisoprolol nhằm tăng hiệu quả và tránh rủi ro
Khi dùng Bisoprolol, bạn cũng cần lưu ý một số điều dưới đây để thuốc phát huy tối đa hiệu quả điều trị và hạn chế rủi ro gặp phải.
Nhớ cách xử trí khi quên liều/ quá liều thuốc
Nếu lỡ quên một liều thuốc, bạn hãy uống bù ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên khi đã quá 12 tiếng thì bỏ luôn liều đó và uống tiếp theo như lịch, không uống gấp đôi liều.
Việc dùng quá liều Bisoprolol có thể dẫn đến block nhĩ thất độ 3, nhịp tim chậm, chóng mặt, co thắt phế quản, hạ đường huyết....
Vì vậy, nếu không may dùng quá liều thuốc, bạn nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Bác sĩ có thể tiến hành các phương pháp như: Tiêm tĩnh mạch Atropin ngăn hạ nhịp tim quá mức, truyền dịch hay thuốc co mạch để ổn định huyết áp, tiêm thuốc lợi tiểu, co cơ, giãn mạch nếu người bệnh bị suy tim cấp tính…
Tránh dùng các thuốc, thực phẩm tương tác với Bisoprolol
Có tới hơn 950 loại thuốc có khả năng xảy ra tương tác với Bisoprolol, do đó để đảm bảo an toàn bạn nên thông báo với bác sĩ các loại thuốc đang dùng. Đồng thời, cần thận trọng khi sử dụng loại thuốc sau đây nếu đang dùng Bisoprolol:
- Thuốc chống loạn nhịp khác như Disopyramide (Norpace)
- Các thuốc hạ huyết áp như Diltiazem (Cardizem, Dilacor, Tiazac), Clonidine (Catapres), Verapamil (Calan, Isoptin, Verelan), Guanethidin (Ismelin).
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như Piroxicam, Ibuprofen, Diclofenac, Naproxen
- Thuốc điều trị lao Rifampicin (Rifadin, Rimactane).
- Thuốc điều trị sốt rét Mefloquine.
Bạn không nên ăn bưởi hay uống nước ép bưởi khi đang dùng Bisoprolol, bởi sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa thuốc trong cơ thể và làm giảm hiệu quả điều trị bệnh. Bạn cũng cần hạn chế uống rượu bia bởi đồ uống có cồn sẽ làm tình trạng chóng mặt xuất hiện nhiều và với mức độ nặng hơn.
Hãy tránh xa rượu bia khi dùng thuốc Bisoprolol
Chú ý các biểu hiện cảnh báo tác dụng phụ của thuốc
Bisoprolol có thể gây ra một số tác dụng phụ nếu không được dùng đúng cách. Do đó, bạn cần chú ý các biểu hiện bất thường sau đây để kịp thời thông báo cho bác sĩ điều trị nếu chúng trở nên trầm trọng:
- Chóng mặt, đau đầu, mất cảm giác, giảm sự tập trung, suy giảm trí nhớ, có cảm giác lo lắng, bồn chồn…
- Các vấn đề về tim mạch như nhịp tim chậm, rối loạn nhịp tim, tay chân lạnh, đánh trống ngực liên hồi, huyết áp hạ đột ngột, đau ngực, khó thở…
- Khô miệng, cảm giác khát nước.
- Mơ màng, trầm cảm, stress, mất ngủ…
- Đau bụng, đau dạ dày, gặp tình trạng chướng bụng, khó tiêu, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón…
- Đau nhức xương khớp, đau cổ, đau lưng…
- Mẩn ngứa, phát ban, nổi mụn, kích ứng da, đổ mồ hôi nhiều, phù mạch, viêm da…
- Viêm phế quản, ho, khó thở, viêm họng, viêm mũi, viêm xoang…
- Suy giảm ham muốn, xuất hiện cơn đau tại thận và niệu…
Chú ý một số hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày
Một số hoạt động hàng ngày nếu không cẩn thận rất dễ gây nguy hiểm cho bạn nếu đang dùng thuốc Bisoprolol. Do đó, bạn cần thận trọng:
- Đứng dậy từ từ để tránh té ngã, tránh lái xe ngay sau khi uống thuốc.
- Nếu bị tiểu đường bạn cần liên hệ với bác sĩ để kiểm tra thường xuyên và điều chỉnh liều thuốc tiểu đường, bởi Bisoprolol khiến bạn khó nhận ra triệu chứng của bệnh.
- Nếu bạn bị cường giáp cũng cần xét nghiệm định kỳ, vì thuốc này cũng che dấu triệu chứng cường giáp.
- Nếu bạn bị hen hoặc phổi tắc nghẽn mạn tính, bạn có thể cần dùng thuốc giãn phế quản thông thường để khắc phục cơn hen, tăng sức cản đường thở do Bisoprolol gây ra.
- Theo dõi chỉ số huyết áp thường xuyên bằng cách đo huyết áp vào sáng sớm và chiều tối mỗi ngày.
- Duy trì chế độ ăn uống, tập luyện để hỗ trợ kiểm soát bệnh tốt hơn.
- Bổ sung sản phẩm hỗ trợ tăng chức năng tim, giúp tim bơm máu tốt hơn nhằm ổn định nhịp tim, huyết áp và ngăn ngừa biến chứng suy tim cũng được các chuyên gia khuyến cáo. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng bạn nên lựa chọn sản phẩm đã được kiểm chứng lâm sàng bài bản để đảm bảo hiệu quả!
Trên đây là những thông tin về thuốc Bisoprolol mà bạn cần nằm lòng khi dùng thuốc để điều trị huyết áp cao, tim đập nhanh hay các bệnh lý tim mạch khác một cách hiệu quả. Nếu còn băn khoăn trong quá trình dùng thuốc, bạn hãy liên hệ với chuyên gia tim mạch theo số 0981.238.219 để được giải đáp chi tiết nhất!