Khi mới được kê đơn Coveram, hầu hết người bệnh đều băn khoăn đây là thuốc gì, tác dụng phụ đặc biệt là cách dùng ra sao. Bởi cách dùng sẽ quyết định thuốc có hiệu quả và an toàn hay không. Bài viết sau đây sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về Coveram cũng như cách dùng thuốc giúp bạn giảm huyết áp và hạn chế tối đa tác dụng phụ.

Nhiều người bệnh cao huyết áp được chỉ định dùng thuốc Coveram hàng ngày.

Nhiều người bệnh cao huyết áp được chỉ định dùng thuốc Coveram hàng ngày.

Coveram là thuốc gì? Tác dụng ra sao?

Coveram thuốc điều trị cao huyết áp phối hợp 2 thành phần Perindopril và Amlodipine. Perindopril là thuốc ức chế men chuyển. Amlodipine là thuốc chẹn kênh canxi. Cả hai thuốc này đều có tác dụng giãn mạch, từ đó giảm huyết áp và giúp tim bơm máu dễ dàng hơn.

Do có tác dụng hạ huyết áp mạnh, Coveram thường được kê đơn cho những người tăng huyết áp độ 2, độ 3, không đáp ứng với Perindopril và Amlodipine dạng đơn độc. Ngoài ra, thuốc cũng được sử dụng cho người bệnh động mạch vành ổn định để giảm nguy cơ đau tim.

Hiện nay, Coveram đang được sử dụng dưới dạng viên nén với 4 hàm lượng bao gồm:

  • Coveram 5mg/5mg chứa 5 mg perindopril và 5 mg amlodipine
  • Coveram 5mg/10mg chứa 5 mg perindopril và 10 mg amlodipine
  • Coveram 10mg/5mg chứa 10 mg perindopril và 5 mg amlodipine
  • Coveram 10mg/10mg chứa 10mg perindopril và 10mg amlodipine

Dù được kê đơn hàm lượng nào, việc dùng thuốc đúng cách cũng là yếu tố then chốt giúp bạn kiểm soát huyết áp tốt hơn.

Cách sử dụng thuốc Coveram đạt hiệu quả cao

Người bệnh mạch vành, tăng huyết áp nên uống Coveram với một cốc nước lớn vào cùng một thời điểm trong ngày. Thông thường, thời điểm uống thích hợp nhất là một lần vào trước bữa ăn sáng. 

Liều dùng của thuốc sẽ được bác sĩ quyết định dựa trên tình trạng sức khỏe và đáp ứng của bạn. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn bắt đầu uống với liều thấp sau đó tăng dần theo thời gian. Để tránh rủi ro tác dụng phụ, bạn chỉ nên dùng Coveram theo đúng liều đã được bác sĩ hướng dẫn.

Hãy dùng thuốc huyết áp Coveram theo đúng liều đã được bác sĩ kê đơn.

Hãy dùng thuốc huyết áp Coveram theo đúng liều đã được bác sĩ kê đơn.

Tương tự như liều dùng, thời gian dùng thuốc Coveram cũng cần có sự chỉ định của bác sĩ. Ngay cả khi cảm thấy đã khỏe sau khi dùng thuốc, bạn cũng không nên tự ngưng sử dụng. Việc ngưng dùng chỉ làm huyết áp của bạn trở nên tồi tệ hơn và tăng nguy cơ tai biến mạch máu não, suy tim, suy thận trong tương lai. Thực tế, nhiều người bệnh cao huyết áp uống thuốc Coveram lâu ngày chẳng những không gây hại mà còn duy trì được chỉ số huyết áp ở mức bình thường.

Coveram có tác dụng nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào cơ địa đáp ứng của mỗi người. Bạn có thể phải chờ đợi vài tuần trước khi thuốc đạt hiệu quả tối đa. Vì vậy, đừng quá nôn nóng trong quá trình dùng thuốc. Tốt nhất, bạn nên ghi lại chỉ số huyết áp hàng ngày và chỉ nên báo cho bác sĩ nếu huyết áp tăng hoặc vẫn cao trong nhiều ngày.

Trong quá trình dùng Coveram cần lưu ý gì?

Để đảm bảo không gặp phải bất cứ tác dụng phụ nghiêm trọng nào khi dùng Coveram, bên cạnh việc uống đúng liều, đúng lúc, có một số điều bạn nên và không nên làm khi dùng thuốc.

Những điều bạn nên làm

Bạn nên bỏ qua và tiếp tục uống như bình thường nếu vô tình quên uống Coveram và thời điểm nhớ ra gần với liều kế tiếp. Ngược lại, bạn nên uống ngay liều đã quên đúng theo đơn thuốc đã được chỉ định.

Nếu sắp bắt đầu sử dụng một loại thuốc mới, hãy báo cho bác sĩ của bạn. Bởi một số thuốc có thể làm tăng tác dụng phụ hoặc giảm hiệu quả của Coveram. Dưới đây là danh sách các thuốc có tương tác với Coveram, bạn có thể tham khảo thêm.

Loại thuốc

Tên thuốc cụ thể

Thuốc kháng sinh

Erythromycin, Clarithromycin, Rifampicin

Thuốc chống nấm

Ketoconazole, Itraconazole

Thuốc chống viêm

Aspirin liều cao, Ibuprofen

Thuốc điều trị các bệnh về tâm lý

Lithium, thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc chống loạn thần

Thuốc gây tăng kali máu

Spironolactone, Triamterene, Amiloride, Eplerenone, Heparin và Co-trimoxazole

Các thuốc giảm huyết áp khác

Thuốc chẹn thụ thể angiotensin, thuốc chẹn beta, thuốc chẹn alpha, Aliskiren 

Thuốc giãn mạch

Nitrat

Thuốc điều trị tiểu đường

Insulin 

Thuốc giãn cơ

Baclofen, Dantrolene

Thuốc điều trị động kinh

Carbamazepine, Phenobarbital, Phenytoin, Primidone

Thuốc ảnh hưởng đến tế bào máu

Allopurinol, Procainamide

Thuốc ức chế miễn dịch hoặc điều trị ung thư

Corticosteroid, Cyclosporin, Tacrolimus

Thuốc điều trị suy tuyến thượng thận

Tetracosactide

Thuốc giảm cholesterol máu

Simvastatin (Lipitor), atorvastatin (Lipitor), lovastatin (Mevacor hoặc Altocor), rosuvastatin (Crestor)

Thuốc kích thích thần kinh giao cảm

Ephedrine, Noradrenaline, Adrenaline

Thuốc điều trị phì đại tuyến tiền liệt nhóm chẹn alpha

Prazosin, Alfuzosin, Doxazosin, Tamsulosin, Terazosin

Thuốc chống thải ghép

Temsirolimus, Sirolimus, Everolimus

Thuốc điều trị suy tim mạn tính

Sacubitril, Valsartan

Thuốc điều trị HIV

Indinavir, Ritonavir

Thuốc điều trị hen suyễn, viêm khớp dạng thấp

Corticosteroid

Thuốc bảo vệ thận trong điều trị ung thư

Amifostine

Danh sách các thuốc có thể ảnh hưởng đến tác dụng của Coveram.

Cũng như bất kỳ loại thuốc nào khác, Coveram 5/5, 5/10, 10/5 hay 10/10 mg đều có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây, hãy báo cho bác sĩ của bạn hoặc ngay lập tức đến bệnh viện thăm khám.

  • Sưng môi, mặt, miệng, lưỡi hoặc cổ họng.
  • Xuất hiện các đốm màu tím, mụn nước ở mặt trước cánh tay, chân và / hoặc xung quanh cổ, tai.
  • Phát ban, ngứa nhiều.
  • Đột ngột thở khò khè, đau ngực, thở nông, khó thở.
  • Chóng mặt nhiều, ngất xỉu.
  • Đau tim, tim đập nhanh bất thường hoặc không đều.
  • Đau bụng dữ dội, đau lưng, kèm theo cảm giác khó chịu.

Ngoài ra, thuốc cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ khác nhẹ nhưng phổ biến hơn. Với những tác dụng phụ này, hãy báo cho bác sĩ nếu chúng kéo dài trên 1 tuần hoặc khiến bạn rất khó chịu.

  • Đau đầu, choáng váng, buồn ngủ, mệt mỏi.
  • Tê bì chân tay, có cảm giác kiến bò trên da.
  • Rối loạn thị giác (nhìn đôi), ù tai
  • Tim đập nhanh, đỏ bừng mặt, ho, thở nông.
  • Buồn nôn, nôn, đau bụng, rối loạn vị giác, khó tiêu, tiêu chảy hoặc táo bón
  • Chuột rút, sưng mắt cá chân (phù).

 Những điều bạn không nên làm

Bạn không nên thay đổi liều lượng hoặc ngừng dùng thuốc Coveram ngay cả khi bạn đã cảm thấy tốt hơn. Mọi sự điều chỉnh về liều đều cần có sự tư vấn của bác sĩ để tránh nguy cơ tác dụng phụ.

Việc uống nước ép bưởi hoặc ăn bưởi cũng nằm trong danh sách những điều không nên làm khi dùng thuốc Coveram. Bởi loại trái cây này có thể làm tăng nồng độ thành phần amlodipine trong máu, từ đó tăng tác dụng phụ của thuốc.

Bạn nên tránh uống nước bưởi khi dùng Coveram.

Bạn nên tránh uống nước bưởi khi dùng Coveram.

Những điều có thể giúp bạn giảm huyết áp tốt hơn

Một số lời khuyên dưới đây có thể giúp bạn kiểm soát huyết áp và giảm nguy cơ biến chứng đột quỵ, suy thận tốt hơn. Thực tế, rất nhiều người bệnh tăng huyết áp, mạch vành đang áp dụng các giải pháp này và sống khỏe mạnh như người bình thường.

  • Hạn chế uống rượu bia.
  • Ăn nhiều rau tươi, trái cây, bánh mì, ngũ cốc và cá. 
  • Ăn ít chất béo và đường.
  • Tập thể dục thường xuyên nhưng không tập quá sức.
  • Ăn nhạt, hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp.
  • Ngừng hoặc ít nhất là cắt giảm hút thuốc.
  • Giảm cân.
  • Sử dụng sản phẩm hỗ trợ đã được chứng minh hiệu quả tại các bệnh viện lớn (kiểm chứng lâm sàng).

Với giá thành vừa phải (8000 - 12000/1 viên) và hiệu quả giảm huyết áp cao, thuốc Coveram được rất nhiều người bệnh tăng huyết áp, mạch vành tin dùng. Nếu được kê đơn loại thuốc này, hãy dùng đúng chỉ định của bác sĩ kết hợp với các lời khuyên kể trên. Tin rằng, bạn sẽ sớm đưa huyết áp về giới hạn an toàn.

 

Tham khảo:

https://www.webmd.com/drugs/2/drug-157991/perindopril-arginine-amlodipine-oral/details

https://www.nps.org.au/medicine-finder/coveram-5-mg-5-mg-tablets#:~:text=WHAT%20COVERAM%20IS,the%20active%20ingredient%20amlodipine%20besilate.