Đứng trước tình trạng số ca nhiễm COVID-19 gia tăng nhanh chóng, nhiều người dân đã đổ xô đi tìm mua thuốc kháng virus Molnupiravir. Tuy nhiên ít ai biết rằng, nếu dùng không đúng cách, đúng thời điểm, thuốc Molnupiravir vừa kém hiệu quả, vừa gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.

Lạm dụng thuốc Molnupiravir khi không cần thiết có thể gây nhiều tác dụng phụ

Lạm dụng thuốc Molnupiravir khi không cần thiết có thể gây nhiều tác dụng phụ

Molnupiravir là thuốc gì?

Molnupiravir là thuốc kháng virus đường uống được Bộ Y Tế đưa vào phác đồ điều trị COVID-19 tại Việt Nam. Thuốc có tác dụng ngăn chặn sự nhân lên của SARS-CoV-2 bằng cách gây đột biến nhiễm sắc thể ARN của virus. Qua đó, thuốc giúp giảm nguy cơ tử vong cho những người mắc COVID-19 thể nhẹ nhưng có ít nhất 1 yếu tố nguy cơ trở nặng cao (cao tuổi, chưa tiêm vaccine…)

Hiện nay có 3 loại thuốc chứa Molnupiravir được Bộ Y Tế cho phép sử dụng để điều trị COVID-19 bao gồm:

  1. Molravir 400 của Công ty Cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam.
  2. Molnupiravir Stella 400 của Công ty TNHH Stellapharm.
  3. Movinavir 200mg của Công ty Cổ phần Hóa - Dược phẩm Mekophar.

Tác dụng phụ của thuốc Molnupiravir

Các tác dụng phụ thường gặp của Molnupiravir bao gồm tiêu chảy, buồn nôn và chóng mặt. Bên cạnh đó, nghiên cứu còn cho thấy thuốc có thể gây hại cho thai nhi, ảnh hưởng đến tinh trùng của nam giới, đặc biệt là tác động xấu đến sự phát triển xương, sụn của trẻ em. Đây là lý do mà phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 18 tuổi không được sử dụng thuốc này.

Ngoài ra, một số ít người sử dụng Molnupiravir có thể gặp phản ứng quá mẫn, phản vệ, phù mạch, ban đỏ, phát ban và nổi mày đay. Tuy nhiên tỷ lệ gặp tác dụng phụ này ít hơn.

Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến sự phát triển xương, sụn của trẻ em dưới 18 tuổi

Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến sự phát triển xương, sụn của trẻ em dưới 18 tuổi

Các lưu ý bắt buộc phải nhớ khi sử dụng Molnupiravir

Thuốc Molnupiravir chỉ ngăn ngừa sự nhân lên của virus SARS - CoV - 2 tốt nếu được sử dụng đúng đối tượng, đúng thời gian và đúng cách. Vì thế, bạn cần nắm được các lưu ý về đối tượng, thời gian và cách dùng thuốc kháng virus Molnupiravir dưới đây:

Đối tượng được dùng hoặc chống chỉ định với Molnupiravir

Molnupiravir được chỉ định cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 mức độ nhẹ, trung bình trên 18 tuổi và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng như như người trên 65 tuổi, chưa tiêm đủ liều vắc xin, có bệnh nền (tiểu đường/tim mạch/bệnh thận/bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính) không ổn định… 

Lưu ý, việc đánh giá mức độ nặng, nhẹ cần tuân theo hướng dẫn của Bộ Y Tế dưới đây. Đặc biệt, người bệnh không được sử dụng thuốc Molnupiravir khi không có chỉ định và theo dõi của bác sĩ, nhân viên y tế.

Mức độ bệnh

Đặc điểm

Nhẹ

  • Có các triệu chứng không đặc hiệu: Sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, đau mỏi cơ, tiêu chảy…
  • SpO2 > 96%
  • Nhịp thở < 20 lần/ phút

Trung bình

  • Khó thở, thở nhanh, nhịp tim nhanh, da khô…
  • SpO2 94-96%
  • Nhịp thở 20-25 lần/ phút

Lưu ý: Người bệnh Covid-19 mức độ nhẹ có bệnh lý nền được coi như mức độ trung bình

Thuốc kháng virus Molnupiravir chống chỉ định với các đối tượng trẻ em dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai, cho con bú. Phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản, đang có nguy cơ mang thai, nam giới, người bệnh suy gan, suy thận… cũng cần thận trọng khi sử dụng các loại thuốc này.

Ngoài ra, theo BS Minh Đức - GĐ phòng khám Golden Care Hồ Chí Minh, những người bệnh F0 không có triệu chứng, không có nguy cơ trở nặng không nên tự mua thuốc kháng virus Molnupiravir về sử dụng. Bởi khi này hệ miễn dịch của người bệnh vẫn khỏe, không cần đến thuốc kháng virus vẫn đủ sức để chống lại virus SARS-CoV-2. Chưa kể đến, việc dùng Molnupiravir sai đối tượng còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho sức khỏe.

Thuốc Molnupiravir 400mg và 200mg cũng không có tác dụng ngăn chặn sự xâm nhập của virus. Vì vậy những người chưa nhiễm COVID-19 không được sử dụng để phòng ngừa lây nhiễm.

Người chưa bị nhiễm COVID-19 hoặc F0 không có triệu chứng không nên tự sử dụng Molnupiravir 200, 400mg

Người chưa bị nhiễm COVID-19 hoặc F0 không có triệu chứng không nên tự sử dụng Molnupiravir 200, 400mg

Thuốc Molnupiravir uống khi nào?

Molnupiravir nên được dùng sớm ngay sau khi có chẩn đoán xác định mắc COVID-19, tốt nhất là trong vòng 5 ngày kể từ khi có triệu chứng. Bởi đây là thời gian virus nhân lên (pha virus), tải lượng virus tăng vọt và gây ra các triệu chứng như sốt, ho, đau rát họng, đau cơ…

Tuy nhiên nếu bạn đã có triệu chứng (sốt, ho, đau họng…) sang ngày thứ 6 thì không nên sử dụng thuốc (trừ khi có chỉ định của bác sĩ). Bởi giai đoạn này cơ thể đã bước sang “pha viêm”, hệ miễn dịch đã kiểm soát được nồng độ virus và chuyển sang giai đoạn xử lý tình trạng viêm, tăng đông và tổn thương mạch máu do COVID-19. Dùng Molnuiravir trong thời gian này không còn mang lại nhiều lợi ích.

Cách dùng, liều dùng thuốc Molnupiravir

Người bệnh F0 khi được chỉ định dùng Molnupiravir nên dùng với liều 800mg/lần, uống 2 lần/ngày trong đúng 5 ngày liên tiếp. Tuy nhiên nếu trong giai đoạn này mà có triệu chứng trở nặng, phải nhập viện, bạn cần xin hỏi ý kiến bác sĩ về việc có nên tiếp tục dùng thuốc không. Thông thường khi đã chuyển nặng, bác sĩ sẽ yêu cầu ngừng dùng Molnupiravir để chuyển sang thuốc kháng viêm, kháng đông.

Thuốc Molnupiravir giá bao nhiêu? Molnupiravir mua ở đâu?

Giá thuốc Movinavir 200mg là khoảng 8.675 đồng một viên (loại 200mg/viên), cao nhất 12.500 đồng một viên (loại 400 mg/viên).

Để mua được loại thuốc này, F0 phải tự quay video quá trình xét nghiệm tại nhà gửi cho dược sỹ nhà thuốc để làm căn cứ mua hàng, có đơn thuốc do bác sỹ chỉ định hoặc giấy xác nhận F0. Nếu đáp ứng được 1 trong 3 điều kiện, người dân sẽ mua được 1 liệu trình Molnupiravir với giá 250.000 đồng. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều trường hợp vẫn tới các nhà thuốc tìm mua dù không có đơn thuốc của bác sỹ hay có các triệu chứng nhẹ không nằm trong đối tượng cần phải sử dụng.

Trên đây là toàn bộ thông tin về công dụng, cách dùng, đối tượng sử dụng, thời điểm sử dụng thuốc Molnupiravir để có được hiệu quả điều trị tốt nhất. Nếu còn băn khoăn nào khác về Molnupiravir nói riêng và COVID-19 nói chung, bạn đừng ngần ngại gọi đến tổng đài hỗ trợ theo số:

ĐT-219.jpg

Tài liệu tham khảo:

[1] Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19, Bộ Y tế, 28/01/2022.

[2] Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà, Bộ Y Tế.

[3] https://www.fda.gov/media/155056/download