Nếu bạn bị bệnh tim mạch, chắc hẳn bạn đã từng được khuyên nên sử dụng dầu cá Omega 3. Thực tế, rất nhiều người bệnh Việt Nam hiện nay cũng đang dùng sản phẩm này để phòng nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Câu hỏi đặt ra là liệu Omega 3 có thực sự tốt cho tim như quảng cáo hay không? Hãy cùng lắng nghe giải đáp của BS tim mạch R. Todd Hurst, MD, FACC trong bài viết dưới đây.
Uống dầu cá Omega 3 có tốt cho tim không?
Truyền thuyết về dầu cá Omega 3 và sức khỏe tim mạch
Tác dụng của dầu cá Omega 3 trên tim mạch bắt đầu được chú ý khi một quan sát cho thấy: những người ăn nhiều cá béo (giàu Omega 3) có tỷ lệ nhồi máu cơ tim và đột quỵ thấp hơn. Dựa trên kết quả này, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu và đưa thêm nhiều dự đoán về lợi ích của Omega 3 trên tim mạch như:
- Hạ huyết áp.
- Giảm chất béo trung tính triglyceride.
- Phòng ngừa xơ vữa động mạch vành, rối loạn nhịp tim...
Một thống kê lớn tại Ý cách đây 20 năm cũng kết luận: Những người sống sót sau cơn nhồi máu cơ tim nếu được bổ sung Omega 3 sẽ giảm được nguy cơ tử vong hoặc tái phát cơn nhồi máu cơ tim/đột quỵ. Đây chính là bước ngoặt khiến Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đưa ra khuyến cáo người mắc bệnh tim mạch nên bổ sung dầu cá Omega 3.
Thế nhưng kể từ sau thống kê này, rất nhiều nghiên cứu sâu hơn (so sánh trực tiếp giữa 2 nhóm cùng đặc điểm sức khỏe, 1 nhóm dùng Omega 3, 1 nhóm dùng giả dược trong cùng một thời gian) lại cho kết quả trái ngược. Điều này làm dấy lên tranh cãi: Liệu việc bổ sung Omega 3 cho người bệnh tim mạch có thực sự cần thiết hay không?
Nghiên cứu nói gì về tác dụng của dầu cá Omega 3 trên tim mạch?
Trước đây, phần lớn các nghiên cứu đối chứng về omega - 3 đều cho thấy: không có sự khác biệt rõ rệt về tỷ lệ đột quỵ, tử vong giữa nhóm người bệnh tim mạch có và không sử dụng Omega 3. Tuy nhiên mới đây, các thử nghiệm với EPA - icosapent ethyl (một loại omega - 3) ở những người đang hoặc có nguy cơ bị bệnh tim mạch như chỉ số triglyceride cao phải dùng thuốc hạ mỡ máu nhóm statin lại cho kết quả ngược lại. Những người bổ sung omega-3 giảm được 25% nguy cơ đột quỵ và 20% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch so với những người không bổ sung.
Tại sao nghiên cứu này lại có kết quả tích cực, khác hẳn với các nghiên cứu trước đó? Lý do có thể nằm ở loại và liều omega - 3 được sử dụng trong nghiên cứu. Những người tham gia nghiên cứu sẽ được uống Omega 3 với liều cao tới 4 gam mỗi ngày. Và loại omega mà họ sử dụng là EPA nguyên chất thay vì hỗn hợp EPA và DHA trong hầu hết các viên uống thực phẩm chức năng chứa dầu cá hiện nay.
Mặc dù lý giải trên vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục được toàn bộ giới y học. Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả này, nhiều Hiệp hội y tế tại Hoa Kỳ và Quốc tế đã thay đổi khuyến cáo: những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao, người có chỉ số triglyceride cao đang dùng thuốc hạ mỡ máu statin có thể bổ sung Omega 3 dưới dạng EPA - icosapent ethyl.
Omega 3 dạng EPA nguyên chất được chứng minh giúp giảm nguy cơ đột quỵ
Vậy người bệnh tim mạch có nên uống dầu cá Omega 3?
Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào người bạn hỏi. Còn theo BS R. Todd Hurst, MD, FACC: Nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao, nồng độ triglyceride vượt mức cho phép, đang dùng statin, bạn có thể uống Omega 3 với liều 4 gam/ngày hoặc dùng Icosapent ethyl (EPA) nguyên chất. Bạn chỉ cần lưu ý chọn các loại viên uống TPCN có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, từ các công ty sản xuất uy tín.
Tuy nhiên, việc sử dụng viên uống dầu cá Omega 3 với liều thấp (1 gram mỗi ngày) chưa được chứng minh có lợi ích rõ rệt trên tim mạch. Một lựa chọn tốt và an toàn hơn cho bạn là ăn các loại cá béo chứa nhiều Omega 3 như cá hồi, cá trích, cá ngừ, cá mòi... ít nhất hai lần một tuần.
Đặc biệt, Omega 3 có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Vì vậy, nếu đang dùng thuốc chống đông như Clopidogrel (Plavix), Aspirin, Coumarin, Heparin… bạn không nên sử dụng sản phẩm này.
Câu chuyện về dầu cá omega-3 và sức khỏe tim mạch vẫn còn khá nhiều tranh cãi. Để tránh “tiền mất tật mang”, bạn không nên tự ý sử dụng sản phẩm này. Trước khi quyết định, hãy trao đổi với bác sĩ để biết liệu Omega 3 có thực sự phù hợp với bạn không. Và dù câu trả lời là có, bạn cũng đừng quên theo dõi sức khỏe trong quá trình sử dụng để tránh các tác dụng không mong muốn nhé.
Thông tin thêm về BS. R. TODD HURST, MD, FACC
BS R. Todd Hurst, MD, FACC là phó giáo sư y khoa tại Đại học Arizona Hoa Kỳ và giám đốc Trung tâm Tim mạch - Viện Tim Mạch - Đại học Y Banner. Ông đã viết hơn 50 bài báo y học và thường xuyên phát biểu tại các cuộc hội thảo về tim mạch trong nước cũng như quốc tế. |
Tham khảo WebMD