Sau 99 ngày không xuất hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng thì từ ngày 25/7 đến nay nước ta liên tiếp ghi nhận những ca mắc Covid-19 mới, báo hiệu một cuộc chiến mới bắt đầu. Chủng virus SARS-CoV-2 mới vừa được phát hiện có tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần với độc lực không thay đổi so với chủng cũ.
Dịch bùng phát trở lại với diễn biến phức tạp khi không truy vết được F0, chúng ta cần cập nhật ngay các biện pháp phòng tránh nhằm tự bảo vệ mình và góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
Bình tĩnh và chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch trước đây
Thay vì hoang mang chúng ta cần bình tĩnh tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát.
Nếu bạn đã từng tới Đà Nẵng trong tháng 7/2020, hãy nhanh chóng khai báo y tế. Đồng thời, hãy quay lại những thói quen ở thời gian trước đây khi giãn cách xã hội diễn ra và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch trong tình hình mới để bảo vệ mình và bản thân khỏi lây nhiễm.
Các biện pháp chăm sóc người bệnh ốm sốt
Mặc dù Covid-19 đã biến chủng nhưng triệu chứng khi nhiễm bệnh và thời gian ủ bệnh không thay đổi. Người bệnh vẫn gặp những dấu hiệu cơ bản của người nhiễm Covid-19 từ nhẹ đến nặng theo thứ tự: sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 02 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh.
Khi bạn hoặc người thân có biểu hiện sốt, ho, khó thở… bạn sẽ cảm thấy lo lắng, nhưng không phải ai bị sốt, ho đều do mắc Covid-19. Vì vậy, khi có sự nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2, bạn hãy liên hệ với Trung tâm y tế gần nhất hoặc đường dây nóng của Bộ Y tế theo số 19009059 để được hướng dẫn cách ly và làm xét nghiệm kiểm tra.
Lưu ý đối với người bệnh ốm, sốt
Với những trường hợp có biểu hiện sốt, ho nhưng không có yếu tố nguy cơ nhiễm Covid-19, bạn cần thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà để hạ sốt và phòng ngừa trường hợp xấu nhất là bị nhiễm Covid-19 như sau:
- Cần đeo khẩu trang và súc họng thường xuyên, người bệnh nên ở trong phòng riêng, thoáng khí, sử dụng nhà vệ sinh riêng so với các thành viên khác trong gia đình. Sau khi đi vệ sinh cần rửa tay và đóng nắp bồn cầu trước khi xả nước nhằm ngăn chặn sự nhiễm khuẩn ngược.
- Áp dụng những biện pháp hạ sốt bao gồm:
Đừng quên bù nước cho cơ thể khi bị sốt
- Dùng thuốc hạ sốt paracetamol (acetaminophen). Giữa 2 lần uống thuốc nên cách nhau 4-6 giờ, tuyệt đối không dùng aspirin để hạ sốt vì có thể gây xuất huyết.
- Dùng khăn sạch và làm ướt bằng nước ấm vừa phải, không quá lạnh, vắt khô và lau khắp người hoặc đặt lên trán, phía sau gáy để hạ thân nhiệt an toàn. Trong trường hợp sốt quá cao, muốn hạ sốt nhanh chóng, bạn nên đặt khăn vào những vị trí như nách, bẹn và thường xuyên thay khăn. Vì đây là những khu vực có nhiều mạch máu lớn, mang nhiều nhiệt.
- Uống bù nước liên tục bằng cách uống từng ngụm nhỏ thường xuyên nước lọc, oresol, nước ép trái cây, nước rau củ quả (bó xôi, cải xoăn, bí đao, rau má….) với lượng từ 2.5-3l/ngày. Có thể cho người bệnh uống trà, mật ong, đường, gừng dành để cho bệnh nhân uống 1 ngày 3 ly trà gừng pha đường hay mật ong - sáng, trưa và chiều.
Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc phòng và điều trị Covid-19
Trong đợt dịch trước đây, nhiều người nghe theo lời đồn trên mạng internet đã tự ý mua thuốc thuốc Hydroxychloroquine và Azithromycin để điều trị Covid-19 dẫn đến ngộ độc. Rất may bệnh nhân được phát hiện sớm và điều trị kịp thời nên đã được xuất viện và không để lại hậu quả đáng tiếc.
Trên thực tế, Tổ chức y tế thế giới WHO nhận định việc sử dụng thuốc Hydroxychloroquine không những không hiệu quả trong điều trị Covid-19 mà còn có thể gây ra một số tác dụng phụ như làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim và gan.
- Khi bị ốm sốt, nhiễm khuẩn, người bệnh sẽ giảm khả năng miễn dịch cho nên cần ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa như: cháo dinh dưỡng, cơm nấu nhão, mềm và thịt gà, thịt heo băm nhỏ kho với gừng và tỏi, rau nấu mềm để ăn chung với thịt gà, lợn… Tránh ăn thịt bò, đồ biển, đồ chiên xào lúc này, bởi các thực phẩm khó tiêu này sẽ làm gia tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa, khiến người bệnh càng thêm mệt.
Lưu ý với người chăm sóc nhằm đảm bảo an toàn, ngăn nhiễm Covid-19
Nếu là người thân đang chăm sóc người bệnh ốm, sốt, ngoài 9 biện pháp đã nêu bạn cũng nên chú ý những điều sau:
Để một người thân khỏe mạnh làm điều đó. Người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mạn tính như tiểu đường, người suy giảm miễn dịch tốt nhất không nên tiếp xúc gần. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh một cách tối đa, giữ khoảng cách an toàn từ 2m trở lên. Đeo khẩu trang, mắt kính, đeo găng tay và thay sau mỗi lần tiếp xúc chăm sóc. Không sử dụng đũa, muỗng cá nhân để lấy các món ăn dùng chung nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus, vi khuẩn qua đường ăn uống; trên mâm hay bàn ăn, phải có muỗng/đũa để lấy thức ăn vào chén riêng, sau đó mới sử dụng muỗng/đũa cá nhân của riêng mình. Không uống chung ly nước hoặc đồ đựng các loại thức uống với người khác. Không dùng chung đồ dùng cá nhân: như khăn mặt, bàn chải răng, cốc uống nước. Không nên dùng chung phòng tắm, nhà vệ sinh nếu có thể.
Dexamethasone được coi là đột phá trong điều trị Covid-19
Đợt dịch mới bùng phát, một thông tin hết sức khả quan cho chúng ta đó là đã có bằng chứng đáng tin cậy chứng minh thuốc Dexamethasone giúp giảm 1/3 tỉ lệ tử vong ở những người phải phụ thuộc vào máy thở, và 1/5 tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân phải thở oxy.
Tuy nhiên đây là một loại thuốc chống viêm rất mạnh, có thể dùng chữa trị cho các bệnh nhân thể nặng nhưng lại không thể dùng cho các bệnh nhân thể nhẹ cũng như điều trị dự phòng. Bên cạnh lợi ích thì thuốc này cũng có khá nhiều tác dụng không mong muốn như giữ nước, gây loét dạ dày, loãng xương, tăng nhãn áp, tăng đường huyết và gây ra hội chứng cushing khi dùng dài ngày. Chính vì vậy, người bệnh chỉ nên dùng thuốc khi có đơn chỉ định của bác sĩ điều trị.
Chủ động thực hiện những biện pháp phòng tránh trên đây là cách bạn đang góp phần chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Với sự đồng lòng quyết tâm đó, chúng ta nhất định một lần nữa chiến thắng đại dịch.